Đối với một nền nông nghiệp hiện đại thì phải đẩy mạnh cơ giới hoá. Thời gian để hoàn thành Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010 không còn nhiều mà đến thời điểm này, chúng ta mới thực hiện được 30% yêu cầu. Nếu chỉ dừng lại ở việc hô hào như hiện nay thì chiến lược này sẽ khó thành công!
Những điểm sáng ít ỏi…
Trước đây, nông dân xã Thượng Ẩm (Sơn Dương – Tuyên Quang) phải mất cả buổi sáng, chân ngập bùn, vất vả cực nhọc cùng con trâu mới cày được 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) ruộng. Để cấy xong vụ lúa hay gieo được mùa đậu tương, bà con phải mất cả tháng trời. “Thế mà nay, loáng một cái, 6 – 7 sào ruộng đã được cày vỡ, bừa nhuyễn, chỉ cần có cái máy cấy nữa thôi là bà con sẽ được ung dung ngồi chơi xơi nước”, ông Trần Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã hồ hởi khoe. Xã có 265ha đất trồng lúa thì có tới 112 máy cày, bừa các loại và trên 30 máy tuốt lúa, bình quân 10 hộ có 1 máy làm đất. Riêng thôn Đồng Dài có 25 máy, thôn Khuôn Lăn 30 máy, vì vậy, khâu thu hoạch và làm đất ở đây được triển khai rất nhanh.
Một trong những thuận lợi để Thượng Ẩm đẩy nhanh quá trình cơ giới hoá trong nông nghiệp là triển khai tốt việc quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa. Xã hiện có 6km đường nội đồng, 20km đường liên thôn, xóm, 9km kênh mương được mở rộng và kiên cố hoá. Năm 2006, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ 50% vốn cho xã mua 6 máy làm đất; xã thành lập 2 tổ làm đất để đẩy nhanh việc gieo cấy đại trà.
Anh Phạm Mạnh Hùng, nông dân thôn ẩm Thắng cho biết: “Gia đình có 8 sào ruộng, tôi đã mua máy cày từ năm 2001, vào vụ, chỉ mất 2 ngày là xong khâu làm đất, thời gian còn lại đi làm thuê cho các hộ quanh vùng. Ngoài ra, tôi còn sử dụng máy để chở lúa, nông sản, phân bón…”.
UBND tỉnh Long An đã phê duyệt phương án cơ giới hoá nông nghiệp giai đoạn 2007 – 2010, phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ cơ giới hoá trong gieo trồng, thu hoạch, sấy lúa hè thu đạt 70%; cây trồng cạn 30%; thu hoạch mía, đậu phộng (lạc), bắp (ngô), đay, chăn nuôi thuỷ sản 60%. Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh sẽ đầu tư khoảng 155, 5 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng giúp nông dân mua máy với mức bằng khoảng 30% giá trị hợp đồng, tối đa là 75 triệu đồng /máy.
Đối tượng được vay tương đối rộng: hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác, tổ giống, trang trại (có giấy chứng nhận) sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động. Trước đó, Hội Nông dân tỉnh cũng đã bảo lãnh cho nông dân mua máy trả chậm với lãi suất 0%.
Chỉ trong 3 năm (2004 – 2006), Long An đã triển khai cho bà con vay 1 tỷ đồng, góp phần nâng mức độ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch lúa lên 35% với 1.200 máy gặt, cơ giới trong khâu sấy, bảo quản lúa 20% (toàn tỉnh hiện có 600 – 700 máy sấy).
Tuy nhiên, những địa phương làm được như trên không nhiều. Cũng nằm trong vùng ĐBSCL, diện tích đất nông nghiệp lớn, có điều kiện đưa máy móc vào đồng ruộng nhưng đến nay, mức độ cơ giới hoá trong khâu thu hoạch lúa ở Vĩnh Long mới đạt 7 – 8%, sấy nông sản 20% so với tổng sản lượng. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa sâu sát, chưa gắn với nhu cầu của bà con và thực tế sản xuất của từng vùng; quá trình triển khai thiếu đồng bộ, việc hướng dẫn nông dân sử dụng máy chưa được quan tâm đúng mức…
Cần sự vào cuộc của các ngành
Theo GS. TSKH Phạm Văn Lang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch), vấn đề quan trọng hiện nay là phải xác định cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đường lối, chính sách và quy hoạch đối với từng lĩnh vực cơ giới hoá nhằm thực hiện có hiệu quả. Cơ giới hoá nông nghiệp chỉ có thể phát triển đúng hướng, vững chắc và hiệu quả khi có định hướng đúng với đầy đủ cơ sở thực tiễn khoa học. Đó là kết quả nghiên cứu công nghệ tiến bộ cả ở trong nước và nước ngoài, trên cơ sở đó lựa chọn kỹ thuật để chuyển giao cho bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và ưu thế của từng vùng. Cần tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa thị trường và sản phẩm để các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất.
PGS.TSKH Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cũng cho rằng: “Các nhà khoa học cần bám sát nhu cầu thực tế của nền nông nghiệp nước ta, tổ chức lại việc nghiên cứu và sản xuất máy móc, thiết bị cơ điện nông nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao; xây dựng mô hình thí điểm và mở rộng ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Cần gắn nghiên cứu với hoạt động của các doanh nghiệp và nghiên cứu theo đơn đặt hàng”. Trong kỳ họp mới đây của Quốc hội khoá XII, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh: “Cơ giới hoá không thể tiến bộ nếu không đẩy nhanh dồn điền đổi thửa, tăng hỗ trợ mua máy, để người nông dân “tự bơi” mà cần có sự phối hợp của nhiều địa phương, ban ngành”.
Để hoàn thành mục tiêu cơ giới hoá nông nghiệp, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần tập trung đầu tư, xây dựng chuyên ngành
chế tạo máy nông nghiệp đủ mạnh, bao gồm máy canh tác, chế biến và thiết bị bảo quản các sản phẩm nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, từng bước xuất khẩu; khuyến khích các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, đặc biệt là những nông dân hăng say nghiên cứu tham gia chế tạo thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến một cách có tổ chức.
Yêu cầu các doanh nghiệp chế tạo máy móc nâng cao năng lực sản xuất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Đồng thời cho phép các tỉnh, thành phố hỗ trợ nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất bằng ngân sách địa phương; thực hiện lộ trình cắt giảm thuế (cao nhất là 5%). Các địa phương sớm hoàn thiện chính sách hỗ trợ nông dân mua máy, nhất là máy gặt, sấy và cấy lúa, đồng thời giới thiệu những mẫu máy phù hợp với điều kiện từng vùng và khả năng của bà con.
Khuyến cáo các nhà sản xuất, chế tạo, kinh doanh máy nâng cao chất lượng, hoàn thiện công nghệ chế tạo, cung cấp máy móc có chất lượng cho nông dân (đúng xuất xứ, các đặc tính kinh tế – kỹ thuật), tổ chức tốt các dịch vụ trước, trong và sau
bán hàng…
Chúng ta sẽ không thể có nền nông nghiệp hiện đại nếu người nông dân vẫn phải đi theo con trâu vỡ từng thửa ruộng, cắt lúa
bằng liềm và vác lúa bằng vai. Nhưng nếu không có các động thái tích cực, đủ mạnh với hệ thống giải pháp đồng bộ thì cơ giới hoá nông nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở… bước khởi động.