Dưới sông cá chết, trên bờ dân than!

Từ khi Công ty TNHH Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ) đi vào hoạt động (tháng 07/2006) thì nguồn nước sông Hậu cạnh khu vực bãi xả nước thải của công ty ô nhiễm trầm trọng, làm khổ dân. Nước thải của công ty làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt chính yếu của gần 250 hộ dân trên con rạch Rạp.

Giòi bò lúc nhúc


Trung tuần tháng 12/2007, theo phản ảnh của người dân, chúng tôi đến khu vực rạch Rạp (ấp Thới Thạnh, xã Thới Thuận). Vừa đến khu vực này đã ngửi mùi thum thủm xộc vào mũi. Một người dân phân trần: “Ai mới đến con rạch này ngửi mùi thối bốc lên từ con rạch giống mùi gia súc chết. Từ lâu con rạch này đã chết vì ô nhiễm do chứa nước thải kèm theo máu, mỡ cá của Công ty TNHH Đại Tây Dương thải ra. Mấy đứa con nít sau khi xuống rạch tắm, đến khi lên bờ mình mẩy đứa nào cũng thối hoắc”.


Người dân cho biết trước đây khi Công ty TNHH Đại Tây Dương chưa đi vào hoạt động nguồn nước rạch Rạp rất sạch sẽ, thậm chí là nguồn nước chính để người dân nấu ăn, tắm giặt.


Ông Đặng Văn Thum – chi hội trưởng nông dân ấp Thới Thạnh – cho hay: hiện trong tổng số gần 250 hộ dân trên tuyến rạch Rạp này, khoảng 70% hộ đang phải sử dụng nước sông ô nhiễm để sinh hoạt. “Dân ở đây phần lớn sống bằng nghề làm thuê, nghèo khó, ít người có điều kiện khoan giếng nên phải sống chung với ô nhiễm” – ông Thum than. Đa số người dân cho biết Công ty Đại Tây Dương thường xả nước thải khi con nước lớn nên dân lãnh đủ. Đến khi nước ròng, mùi thối từ dưới đáy sông bốc lên rất khó chịu. “Thỉnh thoảng người dân nơi đây thấy giòi bò lúc nhúc cặp mép rạch. Những ai lần đầu chứng kiến cảnh tượng này đều phải lợm giọng, còn tụi tôi chứng kiến cảnh này hoài nên riết rồi cũng… quen”, anh Võ Văn Thành – một người dân trong ấp – ngao ngán nói.

Do phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nên người dân, phần lớn là trẻ em, nơi đây thường bị dị ứng da, sốt, tiêu chảy, các bệnh về hô hấp. “Hơn một tháng qua có khoảng 20 người dân tại rạch Rạp, đa số là con nít, phải nhập viện do uống phải nguồn nước này”, ông Đặng Văn Thum thống kê. Còn anh Thành vừa nói vừa ôm bụng than: “Do uống phải nước con rạch này nên tôi và bốn đứa con thường xuyên bị đau bụng. Tuần nào cũng đến trạm y tế xin thuốc uống”. Dưới rạch nhiều cá chết nổi lều bều cặp mé rạch. 


Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy than: “Đã có lúc gia đình tôi định bỏ nhà đi chỗ khác nhưng không biết phải đi đâu. Cua, cá dưới rạch không chịu nổi còn phải chết thử hỏi làm sao chúng tôi chịu nổi”. Nhiều người dân cho biết ban đêm họ không thể ngủ được vì bị mùi hôi thối tra tấn.


Nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng vẫn vi phạm


Tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ vừa qua, khi báo cáo trước các đại biểu HĐND TP Cần Thơ về những bức xúc của người dân trước tình trạng Công ty TNHH Đại Tây Dương tiếp tục gây ô nhiễm dù đã nhiều lần bị xử phạt, ông Dương Bá Diện – giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường TP Cần Thơ – cho biết: Tháng 08/2006 công ty không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng không xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ngày 23/11/2006 thanh tra sở đã xử phạt lần đầu 20 triệu đồng, buộc công ty phải đánh giá tác động môi trường, khắc phục ô nhiễm bằng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường VN (tiêu chuẩn loại A) khi thải ra ngoài.


Công ty đã chấp hành qui định xử phạt và xây dựng hệ thống xử lý nước thải với công suất 3.000m3/ngày đêm. Hiện nay đang trong quá trình vận hành, nghiệm thu. Ông Diện cũng cho biết công ty đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 4.000m3/ ngày đêm. Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Tài nguyên và môi trường TP Cần Thơ, công ty đã không gom hết chất thải để đưa vào hệ thống xử lý mà đưa ra bên ngoài sông gây ô nhiễm môi trường.


Ngày 16/11/2007 thanh tra Sở Tài nguyên – môi trường TP Cần Thơ đã mời lãnh đạo công ty đến làm việc, lãnh đạo công ty cam kết khắc phục trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, ngày 21/11 lãnh đạo TP Cần Thơ và các sở ngành đã kiểm tra hệ thống xử lý nước thải thì thấy rằng công ty chưa xúc tiến để khắc phục, việc ô nhiễm môi trường vẫn còn rất nghiêm trọng. Sở yêu cầu công ty phải thực hiện đúng những cam kết bảo vệ môi trường như đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và quyết định phê duyệt của UBND thành phố.


Ông Diện cho hay nếu công ty vẫn tiếp tục cố tình không chấp hành thì sở đề nghị UBND TP nên xem xét thu hồi giấy phép đầu tư hoặc giao cho cơ quan cảnh sát môi trường xử lý theo qui định của pháp luật.