“Đứng trên cổng trời Quản Bạ, tưởng mình cưỡi gió ngắm trần gian”, câu thơ ấy đã theo tôi vượt mây mù đến với cao nguyên cao nhất Việt Nam: Đồng Văn. Xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) nằm phía sau cổng trời, nhưng cổng trời Cán Tỷ còn cao hơn, kỳ vĩ hơn và mang tải nhiều trang sử hơn cả cái cổng Quản Bạ lừng danh được cắm biển bằng chữ Việt, chữ tiếng Anh ("Heavens gate") phục vụ du lịch kia.
Xoay người bốn phía, bói mắt tìm mãi, rồi mới giật mình gọi Cán Tỷ là nơi không có đường chân trời. Đây là một cửa ải, một hẻm núi tụt xuống giữa chất ngất non cao. Đến nỗi, hỏi thôn bản nào ở đâu, cán bộ xã đều khoắng tay chỉ thẳng lên… trời: Trên kia kìa, cán bộ không đi được đâu. Bà con thỉnh thoảng “vén mây”, tụt dốc xuống rất đông, cứ như là họ đến từ… trên trời ấy.
Từ “trên trời” tụt xuống… chợ phiên
Nguyễn Hồng Tư quá trẻ, mới “băm vài ba nhát” đã làm đến Phó Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ. Tư người ở xuôi, tốt nghiệp Đại học Luật rồi tình nguyện “nghe rừng lắm đất lên đây với rừng”. Hồi đầu, đói ăn mỳ tôm sống, bà con ra vườn nhổ rau cải, tuốt vào nách một cái đem luộc luôn, tiết canh thì đánh bằng nước lã, Tư hãi quá. Leo bở hơi tai lên con đường chuột chạy giữa non cao, Tư đã kinh ngạc về cái sức đại bàng núi của cư dân nơi này. Những rông núi cao bất tận, dài miên man được xây tường đá như con mãng xà khổng lồ; hai toà cổng thành bằng đá uy nghi trấn giữ biên cương, vẫn còn đó.
Lối mòn xưa cũ này, giờ là điểm đến cho các tour du lịch mạo hiểm xuyên Sủa Cán Tỷ, qua Pờ Chúa Lủng sang biên giới Yên Minh của nhiều khách trong và ngoài nước. Con đường, các tường thành cổ đã chứng kiến các cuộc chiến như “cối xay thịt” giữa người bản xứ và các cánh quân xâm lược người Pháp; chứng kiến các cuộc trường chinh oai dũng của những người lính Cụ Hồ đi tiễu trừ các thế lực phản động năm xưa.
Yết hầu núi này, chỉ một tiểu đoàn lính dõng, có thể ngăn được cả vạn quân muốn tràn vào khu vực Đồng Văn, Mèo Vạc. Cũng vì sự chon von đó, đứng ở trung tâm xã Cán Tỷ, bên bờ sông Miện xanh biêng biếc, bạn không thể tìm được đường chân trời. Và, cứ mỗi phiên chợ, thấy hơn 4.000 bà con từ 8 thôn bản cùng lục tục xuống chợ, bạn sẽ ngơ ngác: Núi dốc thẳng như vuông góc với mặt sông thế này, đường sá hoe hoắt vắng thế kia, mà người ở đâu ra lắm thế. Xin thưa, mỗi bản cách chợ vài giờ đi bộ, có khi cả ngày “xe căng hải”, bà con tụt dốc từ nửa đêm để sáng ra nhễ nhại mồ hôi rẽ sương ban mai vào chợ đấy.
Trước những bộn bề đó, Tỉnh ủy Hà Giang đã quyết định giao cho Liên đoàn Lao động tỉnh đứng ra đỡ đầu, tìm phương cách giúp Cán Tỷ thoát đói nghèo, lạc hậu. Liên tiếp các cán bộ xuất sắc của Liên đoàn Lao động tỉnh được cử về “cắm” xã. Trường học đã được xây, trụ sở, đường sá, các phong trào đã có những tiến bộ vượt bậc. Tuy nhiên, nhiều bài toán vẫn đang ở dạng “lực bất tòng tâm”, bởi cần phải có thời gian, khi mà cái nền “lạc hậu” đã án ngữ ở cửa ải hiểm trở này từ quá lâu rồi.
Bi hài chuyện… tránh thai!
Bao nhiêu cán bộ phải đau đầu vì tốc độ… bùng phát sinh đẻ. Mặc, bà con vẫn hồn nhiên đẻ. Anh Tư cau có: Chiến dịch tuyên truyền hướng dẫn sử dụng bao caosu, vận động đặt vòng, phát tờ rơi, cứ có “phong bì” 10 nghìn đồng/đại biểu là bà con đi rất đông. Lấy tiền xong là… quên béng “nhiệm vụ”. Trạm trưởng y tế xã Bùi Ngọc Tuyên lại giương mắt soi mãi vào cái sổ theo dõi và cam kết đặt vòng với chi chít những vệt điểm chỉ của chị em rồi thở dài: “Đặt vòng rồi vẫn chửa, rất nhiều”. Lý do là nhiều chị em không chịu kiêng khem đúng “sách”.
Đặt vòng, bà con tự tháo rồi chửa đẻ, nghe cứ như câu chuyện tiếu lâm. Nhưng đó là sự thật. Sợ nhất là những buổi đặt vòng cho vợ những anh biêng biêng rượu ngô, nói gì anh ta cũng chả nghe, “Cấm vợ tao đẻ là tao chém”.
Chán cái vòng quá, anh chàng Tuyên thật thà như khoai sắn cứ bị đổ riệt cho cái tội để Cán Tỷ rơi vào đại hoạ tăng dân số nhất tỉnh; mới bèn chơi trò… sáng tạo: “Hay là nhà báo về đề xuất với cấp trên cho chúng tôi được tăng cường cái biện pháp tiêm tránh thai cho phụ nữ nhỉ? Tiêm thì có trời… tháo”. “Thế người ta ở tít… trên mây, gọi người ta chả xuống, anh tiêm làm sao hết” – “Phó” Tư băn khoăn. Anh Tuyên chơi trò “lập công chuộc tội”, “Thì để tôi đi đến từng nhà, tiêm cho từng em, từng chị…”. “Như thế không được, cán bộ chuyên trách dân số có một người, sức đâu mà đi. Mà đặt vòng ngoài uỷ ban, chồng người ta còn doạ giết cán bộ y tế nữa là xông vào nhà mà “tiêm chọc” – anh Tư bắt bẻ.
Khi đang lúng búng tính cho bài toán bế tắc sinh đẻ kia, thì oái oăm lại cứ dồn dập đến. Chị M, là cộng tác viên dân số – kế hoạch hoá gia đình của thôn bản, tưởng là đi đầu gương mẫu, ai dè cũng đẻ con thứ ba. Đến như đồng chí S, nhà ở Giàng Chư Phìn, đảng viên, thôn đội trưởng, đại biểu Hội đồng Nhân dân xã cũng đẻ con thứ ba. Cán bộ xã buồn rầu: Huyện uỷ đã ra nghị quyết rồi, nếu đẻ con thứ ba thì cán bộ bị thôi việc, khai trừ Đảng, bãi miễn đại biểu Hội đồng Nhân dân (từ 01/01/2007, NQ trên đã có hiệu lực). Có lẽ, chúng tôi đành phải xử lý đồng chí S, sẽ là rất nặng, rõ khổ.
Những lâm tặc xin được đi… tù!
Thảm khốc và vô lối nhất ở Cán Tỷ hiện nay là nạn tàn sát rừng gỗ nghiến cổ thụ của Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bát Đại Sơn. Từ chỗ, những cây nghiến vài trăm năm tuổi bao dung sà xuống sát bờ sông Miện – giờ, rừng đã lùi lên đỉnh núi mây mù. Hàng đoàn người công khai đi phá rừng trong sự bất lực của kiểm lâm, chính quyền cơ sở. Trớ trêu đến mức tôi cảm thấy kỳ lạ cho cái cách giữ rừng ở khu BTTN Bát Đại Sơn. Xin độc giả lưu ý kỹ: Ngày 29/06/2007, người ta tổ chức cho hàng trăm người vừa ký vừa điểm chỉ cả mấy trang giấy A4 để cam kết bảo vệ rừng.
Chỉ một tháng sau, trong chỉ một chiến dịch, cơ quan chức năng đã có văn bản báo cáo khủng khiếp như sau: Phát hiện 288m3 gỗ nghiến, gỗ quý hiếm thuộc nhóm IIA bị chặt hạ trái phép (ông Lệnh Xuân Trung, Giám đốc Khu bảo tồn TN Bát Đại Sơn và lãnh đạo xã Cán Tỷ, đã ký). Gần 300m3 “thịt nạc” của những cây gỗ cả mấy trăm năm tuổi trên núi đá, có chu vi vòng gốc vài người ôm, đường kính cả mét kia là bao nhiêu công hun đúc của đất trời? Gỗ quý bị bỏ lại ngổn ngang tang tóc giữa rừng. Số còn lại, cả trăm cả nghìn mét khối nữa, đã bị lâm tặc xẻ thành thớt nghiến bán sang bên kia biên giới.
Vụ việc cứ lùng bùng, mà không ai dám chắc là nó có bị chìm xuồng hay không. Chưa hết, lâm tặc doạ giết cán bộ Tư, cắt bỏ điện của UBND xã, cắt thớt nghiến lăn ra đường đòi hạ sát cán bộ truy đuổi. Lạ nữa là đã xuất hiện những hành động coi thường luật pháp tới mức “giả nghèo giả ngố” để xin đi ở tù. Bốn người phá rừng bị bắt quả tang vi phạm lâm luật, gồm: Hồ, Cháng, Say, Páo (nhà ở thôn Đầu Cầu I) bị cơ quan chức năng phạt hành chính mỗi người 20 triệu đồng. Họ viết đơn kính gửi huyện Quản Bạ, Khu BTTN Bát Đại Sơn và UBND xã Cán Tỷ, trình bày rằng: Chúng tôi sẽ lấy nhà để định giá, nhà có bò lợn thì tính vào đấy nốt, số tiền còn lại chúng tôi đi làm thuê để trả dần, nếu chưa đủ thì đề nghị quý cơ quan xét cho chúng tôi nếu đủ điều kiện thì… đi ở tù!
Cán bộ địa phương cho hay, hành động này chắc chắn có sự “quân sư quạt mo” của những đối tượng bất mãn ở xã gây ra. Cơ quan chức năng nhận đơn xin ở tù, ai cũng lúng búng. Chúng ta cần nghiêm khắc, cần theo đúng luật của Nhà nước mà “xử”, thì mới có tính răn đe, giáo dục thật sự. Như thế, may ra mới bảo vệ được những rừng nghiến cuối cùng của Bát Đại Sơn hùng vĩ.
Cán Tỷ lại mưa lích rích. Sông Miện xanh mơ màng, khảm trôi trên biển đá tai mèo phún sắc, ôm lấy cả rẻo đất phía sau cổng trời huyền thoại. Nơi đây (hầu như) không có đường chân trời. Con gái Cán Tỷ nổi tiếng nhan sắc trong cả vùng. Cả cái cửa ải “một người địch muôn người” án ngữ đường vào cao nguyên đá đó – là công trình tuyệt kỹ của đất nước ông bà. Nói đây là kỳ quan dựng giữa đất trời cũng đúng, mà nói là núi quá cao – vực quá sâu nên nó dồn bà con mình vào cảnh quá nghèo, quá khó thì cũng đúng. Nhưng, không lẽ, chúng ta cứ phải bất lực trước sự trì trệ, vô lối kia, để cái khó cứ mãi đeo bám Cán Tỷ mến thương?