Rừng giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu

Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (IPCCC) một trong những cách để đảo ngược hiệu ứng nhà kính gây ấm nóng toàn cầu là giảm phá rừng.

Độ che phủ của rừng ở Việt Nam từ chỗ giảm sút trầm trọng trong vài thập niên trở lại đây, nay đang dần dần hồi phục.
Giới chức Việt Nam đang kỳ vọng vào chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, để từ nay đến năm 2010 phải duy trì đô che phủ của rừng ở mức 43%. Nhưng đó không phải là chuyện dễ dàng.

Con người xưa nay vẫn lệ thuộc vào rừng, đặc biệt là dưỡng khí chúng ta hít thở là từ cây mà ra. Rừng giúp điều hòa nhiệt độ, duy trì tính ổn định và sự màu mỡ của đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, ngăn chặn xói mòn sụt lở, bảo tồn nguồn nước mặt và nước ngầm.

Địa hình và khí hậu đa dạng của Việt Nam đã tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái tự nhiên và sự phong phú về các loài sinh vật rừng. Những hệ sinh thái đó bao gồm nhiều loại rừng khác nhau, trong đó có rừng ngập mặn.

Rừng ngập mặn

 rungngapman

Rừng ngập mặn tạo vùng đệm an toàn bên ngoài đê. 

Rừng ngập mặn ở Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, một trong những nơi hứng chịu nhiều bão lụt ở miền Bắc. Huyện này có khá nhiều rừng ngập mặn tạo thành vùng đệm kiên cố bên ngoài đê.

Suốt một thời gian dài trước đây rừng bị phá đi để làm đầm nuôi tôm cho đến khi được bảo vệ nhờ sự ra đời của Vườn Quốc Gia Xuân Thủy. Nhưng nơi đây vẫn còn nhiều đầm nuôi tôm.

Vùng duyên hải dọc theo bờ biển dài trên 3.000 cây số của Việt Nam được đánh giá là khu vực sẽ chịu tác động nặng nề nhất của Biến đổi Khí hậu.

Rừng ngập mặn giúp giảm bớt tình trạng nhiễm mặn nếu mực nước biển tiếp tục dâng cao, hoặc tạo thành vùng đệm giữa biển và đất liền nên mỗi khi có bão, thiệt hại đã giảm đi rất nhiều.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, nói nhờ vùng đệm mà thiệt hại của bão đã giảm đáng kể.
“Thí dụ trong cơn bão số 7 năm 2005 thì toàn bộ khu vực có vùng đệm gần như không hề hấn gì nhơ giải rừng phòng hộ ngoài đê.”

Ông Cách cho biết đợt đó, dân sinh yên lành không như những khu vực khác trong huyện.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn là nơi cư trú của trên 200 loài chim, chủ yếu là chim nước. Trong đó có 9 loài nằm trong Sách Đỏ được bảo vệ của quốc tế. Đặc biệt có cò thìa, một trong những loài gần như tuyệt chủng trước đây do hoạt động đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản của con người.

Phá rừng

Trước sức ép của gia tăng dân số và phát triển kinh tế, diện tích rừng ở Việt Nam bị thu hẹp nhanh chóng. Độ che phủ rừng đã giảm xuống từ chỗ năm 1943 chiếm khoảng 43% thì đến năm 1990 chỉ còn 28,4%. Miền Bắc và miền Trung đã chứng kiến sự sa sút lớn nhất về độ che phủ của rừng.

Nhưng Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Cục trưởng Cục Kiểm lâm ở Hà Nội quả quyết rừng của Việt Nam đang được khôi phục một cách đáng kể. “Tính đến năm 2007 độ che phủ của rừng đã được khôi phục lại và đến nay chúng tôi đạt được trên 38%. Đây là một quyết tâm chính trị của Việt Nam.”

Nhưng theo báo cáo tổng kết chương trình sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường năm 2001 rừng tự nhiên ở những nơi như Lai Châu, Sơn La, Lào cai và 4 tỉnh Tây Nguyên liên tục giảm.

Việc khai thác rừng ở những nơi này vượt quá mức qui định, tình trạng khai thác bất hợp pháp chưa được ngăn chặn. Ông Tuấn nhìn nhận thực trạng đó nhưng tin rằng có cách giải quyết.

 khoaimi
Thu hoạch khoai mì trước khi keo phủ tán 

Việt Nam đang thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu hecta rừng, để làm sao từ nay đến năm 2010 cố gắng duy trì độ che phủ rừng toàn quốc ở mức 43%, tức 17 triệu hecta tổng cộng. Để phục vụ cho mục tiêu này là hai chương khuyến khích thâm canh và giao đất giao rừng cho dân khai thác trồng rừng.

Dân trồng rừng

Đến thăm một trong những khu rừng sản xuất như vậy ở xã Xuân Lộc, huyện Phú Lộc, thành phố Huế. Đây khi trước là đất hoang, sau đó giao cho dân theo hình thức khoáng hoặc cho thuê dài hạn.

Qua hỏi chuyện anh Lê, người nhận 10 hecta và thuê 20 lao động để khai thác, thấy rõ ràng cuộc sống của những người dân sống ven rừng đã thay đổi cùng với màu xanh của rừng đang dần phủ lại những quả đồi trọc quanh đây.

Thừa Thiên Huế đã vận động sự hợp tác của người dân địa phương để quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Trong khuôn khổ đó tại khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền có dự án MacCarthur do Mỹ tài trợ nhằm quảng bá mô hình đồng quản lý tại 8 xã.

Điều phối viên của dự án, và là Trưởng nhóm Bảo tồn thiên nhiên của Chi cục Kiểm lâm Thừa thiên Huế, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn nói, con người là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ rừng.

 
Gỗ keo cung cấp cho nhà máy giấy 

Ông Hoàng Ngọc Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thừa thiên Huế cho biết sau khi khai thác cây keo một thời gian họ sẽ thay bằng các loại cây bản địa để nâng chất lượng của rừng.

Để canh phòng cháy rừng, có những tháp canh nằm rải rác ở vị trí cao. Trong tháp canh có trang bị ống nhòm, máy bộ đàm vô tuyến và đang đưa hệ thống định vị toàn cầu GPS vào sử dụng.

Đây là một áp lực cho nghành kiểm lâm, đặc biệt trong mùa Hè do ảnh hưởng gió Lào làm nhiệt độ ở đây có thể lên đến 40 độ C.

Bảo tồn thiên nhiên

Nhìn trên bản đồ chúng ta thấy có một vệt rừng xanh kéo dài từ biển Đông đến tận sông Mêkông, duy nhất chạy ngang qua Huế.

Nhưng vệt xanh bị ngắt quãng giữa Bạch Mã và Phong Điền do tàn phá của chiến tranh hay những hoạt động kinh tế của con người.

Ông Khanh nói từ đó nảy ra ý tưởng làm sao nối lại vệt rừng xanh như xưa. Thế là Dự án Hành lang xanh ra đời. Đây là chương trình kéo dài trong bốn năm và sẽ kết thúc vào năm sau, do chương trình WWF Việt Nam và Chi cục kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới – Quỹ môi trường toàn cầu, WWF, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và SNV.

Nhiều loài động thực vật mới đã được phát hiện dọc theo hành lang xanh, đặc biệt là Sao La, Gà Lôi Lam Mào Trắng và Vọc Chà Vá Chân Nâu.

Nhưng đó là bảo tồn thiên nhiên trong khi có quan ngại rằng rừng trồng mới không theo kịp tốc độ khai thác rừng hay phá rừng. Đó là chưa kể trồng rừng nhưng có thành rừng hay không lại là chuyện khác.

Cục trưởng Cục kiểm lâm ông Hà Công Tuấn nói hậu quả khốc liệt của các trận lũ quét hồi tháng 10 năm nay 2007 ở Sơn La, là nơi theo ông rừng đã được khôi phục, làm cho chúng ta phải suy nghĩ.

“Đúng là hậu quả đó cũng xuất phát từ độ che phủ của rừng giảm nhưng không phải độ che phủ mà chính là chất lượng rừng của chúng ta chưa được cao, và như thế chúng ta phải mất thời gian.”

Ông Tuấn nói rất có thể làm cho những người đang hàng ngày đang khôi phục rừng nản lòng nếu không xét đến yếu tố thời gian. “Nhưng tôi cũng cho rằng việc nóng lên toàn cầu thế này thì tình trạng lũ lụt do bão sẽ khốc liệt và thường xuyên, ác liệt hơn và đô nguy hiểm cũng cao hơn.”

“Giả dụ nếu Việt Nam không đưa được độ che phủ rừng tăng mạnh thì hậu quả của các trận lũ lụt vừa rồi, hậu quả còn khốc liệt hơn rất nhiều,” ông Tuấn nói.