TS. Nguyễn Ngọc Trâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển sản xuất dược phẩm CRILA và tập thể cán bộ nữ Bộ môn vật lý đại cương, Khoa vật lý (Đại học KHTN Hà Nội) được nhận giải thưởng nhờ có những đóng góp tích cực trong lĩnh vực khoa học.
Sáng 25/12, Uỷ ban Giải thưởng Kovalevskaya đã trao giải thưởng năm 2007 cho TS. Nguyễn Ngọc Trâm, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất dược phẩm CRILA, trực thuộc Công ty cổ phần dược liệu Trung ương 2 (Bộ Y tế) và tập thể cán bộ nữ nghiên cứu “Tính chất quang của vật liệu bán dẫn và điện môi” thuộc Bộ môn vật lý đại cương, Khoa vật lý, Đại học KHTN (ĐHQG Hà Nội). Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà, ông bà Koblitz – những người sáng lập quỹ cùng đông đảo đại biểu đã tham dự buổi lễ.
TS Nguyễn Ngọc Trâm là một nhà khoa học nữ có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dược với những sản phẩm mang tính hữu ích, có tính kế thừa truyền thống và hiện đại, phục vụ cộng đồng; sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ dược liệu địa phương gắn với những phương pháp hiện đại.
Đặc biệt, viên thuốc CRILA điều trị u xơ tử cung và u xơ tiền liệt tuyến được điều chế từ cây trinh nữ hoàng cung – một cây cỏ hoang dại đã được nghiên cứu gene để thuần chủng, nuôi trồng tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thuốc bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại tạo sản phẩm thuốc giá thành rẻ, có triển vọng xuất khẩu ra các nước, tạo việc làm cho xã hội. Đây cũng là viên thuốc đầu tiên trên thế giới điều trị u xơ tử cung cho phụ nữ. Hiệu quả điều trị của viên nang CRILA tương đương với hiệu quả điều trị bệnh của các viên thuốc khác của các nước nhưng có giá thành rẻ hơn nhiều.
Các công trình nghiên cứu của TS Nguyễn Ngọc Trâm đóng góp rất lớn vào lĩnh vực bảo tồn nguồn gene dược liệu quý, chứng minh từ thảo dược có thể chiết xuất ra nhiều nguyên liệu làm thuốc rất quý, mở ra một hướng phát triển nghiên cứu các hoạt chất sinh học từ nguồn gốc thiên nhiên phòng ngừa và điều trị ung thư. TS Nguyễn Ngọc Trâm đã 2 lần được khen tặng chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; nhận bằng độc quyền giải pháp hữu ích và Huy chương vàng sản phẩm viên nang CRILA-sản phẩm chất lượng vì sức khoẻ cộng đồng.
Công trình mang tên “Tính chất quang của vật liệu bán dẫn và điện môi” của tập thể cán bộ nữ thuộc Bộ môn vật lý đại cương, Khoa vật lý, Đại học KHTN (ĐHQG Hà Nội) là công trình có ý nghĩa khoa học cơ bản, sâu sắc, tiếp cận được trình độ khoa học công nghệ thế giới. Các tác giả đã nghiên cứu khá trọn vẹn cả về công nghệ chế tạo vật liệu, nghiên cứu cấu trúc và các tính chất quang, xây dựng và phát triển thiết bị thí nghiệm cần thiết.
Nhóm nghiên cứu là một trong những cơ sở đã đi đầu trong một hướng nghiên cứu mới, hiện đại đang được các nhà khoa học trên thế giới quan tâm, đó là nghiên cứu chế tạo và tính chất của các vật liệu nanô, loại vật liệu của thế kỷ 21. Các tác giả đã có nhiều thành công trong việc chế tạo vật liệu nanô bằng các phương pháp vật lý như bốc bay, phương pháp hoá học như sol-gel, thuỷ nhiệt, đồng kết tủa.
Có thể nói đây là một trong những công trình đầu tiên ở Việt Nam về lĩnh vực này được thực hiện trên các thiết bị tự tạo. Điều này thực sự có ý nghĩa quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, tránh được sự lạc hậu về kiến thức chuyên môn cũng như vấn đề khoa học liên quan.
Một đóng góp quan trọng của tập thể nữ này là đã vận hành, khai thác và bảo quản hệ đo huỳnh quang và kích thích; phát huy rất hiệu quả thiết bị hiện đại này phục vụ không chỉ công việc trong trường mà cả các cơ quan nghiên cứu và giảng dạy khác. Đi theo hướng nghiên cứu trên, nhóm đã xây dựng và triển khai nhiều hệ đo thực nghiệm hiệu quả, xây dựng các quy trình công nghệ tạo mẫu khả thi phục vụ mục đích nghiên cứu tại cơ sở, là một đóng góp rất lớn và tốn nhiều công sức, thời gian.
Các thành quả này ngoài mục đích và ý nghĩa khoa học còn giúp các thế hệ học sinh, sinh viên có thể tiếp cận với quy trình nghiên cứu khoa hoc để có thể tiến xa hơn, đạt trình độ quốc tế.
Cũng nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tặng quà cho các sinh viên nữ xuất sắc ngành khoa học tự nhiên./.