Công đoạn tẩy chuội nhuộm tại làng nghề dệt nhuộm Nha Xá (Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam) khiến môi trường trong làng bị hủy hoại ở mức báo động dai dẳng nhiều năm nay.Trước tình hình đó, Sở TNMT tỉnh Hà Nam đã cho phép UBND xã Mộc Nam lập dự án đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Tuy vậy, do thiếu vốn và sự vào cuộc chưa mạnh mẽ của chính quyền nên 2 năm nay, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, còn làng vẫn đang ở trong tình trạng…bốc mùi.
Nước thải: đen, bốc mùi
Mộc Nam là xã nằm ở phía Đông bắc huyện Duy Tiên- tỉnh Hà Nam, diện tích đất hành chính là 549,27 ha, dân số hơn 4000 người gồm có 5 thôn và 2 HTX, trong đó có một HTX dịch vụ tiểu thủ công nghiệp và làng nghề chuyên tẩy chuội nhuộm và sản xuất dệt đũi, tơ tằm xuất khẩu.
Nghề sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển rộng khắp trong toàn xã, đến nay, trong toàn xã có gần 500 khung dệt. Riêng làng nghề Nha Xá có 93% số hộ làm nghề tẩy chuội nhuộm và sản xuất đũi, lụa tơ tằm xuất khẩu, mang lại thu nhập bình quân là 500-700 nghìn đồng/người/tháng. Thế nhưng, cái giá phải trả cho việc bạc đãi với môi trường thì quá đắt.
Tại nhà bà Lê Thúy Mùi- hộ “giữ quán quân” trong công đoạn tẩy chuội tại làng với con số một ngày tẩy vài trăm m2 vải, mùi hôi thối bốc lên rợn người. Mỗi ngày nhà bà Mùi thải ra trực tiếp xuống ao khoảng 500m3, khiến cá không sống được. Tại làng Nha Xá, có 16 hộ làm công đoạn độc hại này. Quanh làng là màu đen quánh của nước thải !.
Hóa chất sử dụng trong tẩy chuội nhuộm bằng ôxi già, sút, bột tạp, nước javen và thuốc nhuộm các loại (màu). Khối lượng sử dụng bình quân từ 5-10 kg/ngày. Nhiên liệu dùng để tẩy chuội nhuộm bằng than đá khối lượng từ 50- 100 kg/ngày/cơ sở sản xuất.
Các cơ sở tẩy chuội nhuộm này đi vào hoạt động từ năm 2002. Nguồn nước cung cấp nước và nước thải sử dụng bằng nước mặt (hồ, ao), khối lượng nước sử dụng từ 10-30m3/ngày/1 cơ sở, và thải ra chừng đấy. Nước thải sau xử lý chảy ra hồ ao. Tuy nước có được xử lý, nhưng vẫn còn tồn tại dư lượng hóa chất độc hại trong môi trường nước.
Chất thải nguy hại trong sản xuất tẩy chuội nhuộm do dùng các loại hóa chất sau xử lý chưa hết vẫn còn nồng độ lớn khi thải ra môi trường nước. Trong quá trình sản xuất, thuốc nhuộm và than đá đã phát sinh nguồn khí thải phát tán trong không khí gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nhưng chưa có biện pháp xử lý.
Theo kết quả phân tích của Trung tâm quan trắc phân tích tài nguyên và môi trường năm 2007, môi trường nước mặt làng nghề Nha Xá có nồng độ BOD5 vượt TCVN 5941-1995 là 2,28 lần. Hàm lượng COD so với TCVN 5945-2005 tại hộ dệt nhuộm của anh Nguyễn Thành Sơn tại thôn Nha Xá cao gấp 1,95 lần.
Theo ông Hoàng Bá Chình, chủ tịch xã Mộc Nam, thì các cơ sở tẩy chuội nhuộm này hoạt động nhỏ lẻ, sản xuất thuộc hộ gia đình, công nghệ sản xuất thủ công, cũ, lạc hậu chủ yếu bằng đun nước tẩy chuội nhuộm bằng xoong Inoc nên gây ô nhiễm rất cao.
Chưa thể di dời!
Việc lập dự án xây dựng khu xử lý tập trung trong chương trình hợp tác Việt Nam- Đan Mạch vẫn dậm chân tại chỗ bởi thiếu kinh phí. Theo ông Hoàng Bá Chình, chủ tịch xã thì vướng mắc còn do nguồn ngân sách giải phóng mặt bằng khó khăn. Chính vì sự chậm trễ này khiến người dân vẫn phải chung sống với nước đen, rác ngập ngụa khắp làng, mùi xú uế bao vây khắp ngõ.
Tuy trong hương ước của làng, bảo vệ môi trường là một điểm qui định, vệ sinh môi trường là một tiêu chí đánh giá công nhận làng văn hóa sức khỏe, nhưng với công nghệ sản xuất lạc hậu, qui mô sản xuất nhỏ bé, tự phát, xưởng sản xuất nằm xen kẽ với khu dân cư như hiện nay, người dân có muốn cũng không thể thực hiện được hương ước.
Trước tình hình chưa thể xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, biện pháp tạm thời của xã là yêu cầu các hộ khi tẩy phải có bể lọc thấm nhưng chỉ được một thời gian, bể lọc đấy cũng không còn tác dụng nữa. Thực ra, năm 2001, xã đã xây dựng 2 trạm xử lý (dành cho nhóm hộ gia đình) nhưng không phát huy được hiệu quả bởi chi phí cho việc xử lý nước thải khiến chi phí sản xuất bị đội lên (trong khi thu nhập tại làng chỉ từ 500-700.000 đồng) nên các hộ sợ toát mồ hôi, không dám dùng.
Để đảm bảo môi trường, lãnh đạo Sở TNMT Hà Nam sẽ tiếp tục đôn đốc thu phí môi trường theo nghị định 67, thông tư 125. Theo ông Vũ Hữu Song, Phó Giám đốc Sở TNMT Hà Nam thì cần có cơ chế, chính sách riêng với làng nghề, theo đó, việc di dời các cơ sở sản xuất phải có lộ trình cụ thể để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.