ThienNhien.Net – Hội Xã hội Nhân văn Quốc tế, Cơ quan giám sát Môi trường và Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên đã cố gắng thuyết phục ba công ty kinh doanh hải sản của Nhật cũng như các công ty con của họ ở Mỹ cùng với chính phủ Nhật chấm dứt chuyến săn bắt gần 1000 con cá voi gần Nam Cực. Sự kiện này xảy ra đúng vào ngày khởi hành của hạm đội đánh bắt cá voi Nhật Bản.
Cuộc viễn chinh săn lùng cá voi
Các công ty kinh doanh hải sản hàng đầu của Nhật là Nippon Suisan, Kyokuyo và Maruha cùng nhau sở hữu và điều hành đoàn tàu đánh cá này trong nhiều thập kỉ qua. Vừa rồi, họ đã lên kế hoạch mở rộng đội tàu trong mùa đánh bắt 2007 – 2008. Theo kế hoạch được thông báo lần đầu vào năm 2005, trong vòng hơn 3 tháng, họ sẽ bắt hơn 1000 con cá voi tại tại khu vực sinh sống của cá voi ở vùng biển Nam bán cầu – khu vực quốc tế quy định cấm săn bắt cá voi, trong đó có 50 con cái voi vây đang có nguy cơ tuyệt chủng, 50 cá voi lưng gù và 935 cá voi xám. Sau đó trong năm 2008, Nhật Bản sẽ lại tiếp tục chuyển mục tiêu sang những con cá voi min-cơ vốn đang bị đe dọa ở Bắc Thái Bình Dương
Cả ba công ty này đều đã từng tuyên bố rằng họ sẽ ngừng bán các sản phẩm từ cá voi do áp lực quốc tế đặt lên các công ty con của họ ở Mỹ và các đối tác thương mại. Tuy nhiên, họ lại từ chối giải thể đội tầu đánh cá hoặc hoãn kế hoạch mở rộng việc đánh bắt cá voi. Thay vào đó, họ đã tiếp tục thông qua kế hoạch này bằng cách chuyển cổ phần cho cơ quan có quyền đánh bắt cá voi (Học viện Nghiên cứu Cá voi – ICR) và các tổ chức phi lợi nhuận khác.
Hội Xã hội Nhân văn Quốc tế và Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên cho rằng những công ty này phải chịu trách nhiệm về tình trạng cá voi chết với số lượng nhiều, đồng thời yêu cầu họ phải có những hành động cụ thể nhằm chấm dứt hoặc ngăn chặn việc săn bắt trái phép những loài cá voi được bảo vệ. Tuy nhiên, việc đó không hề đơn giản. Hơn 20 năm sát hại một cách vô trách nhiệm loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này, các công ty Nhật hẳn sẽ không chấm dứt hành vi vi phạm của mình một sớm một chiều, chừng nào họ vẫn có thể chuyển giao hay núp bóng ai đó để tiếp tục cuộc tàn sát một cách hợp pháp.
Allan Thornton, Giám đốc Cơ quan giám sát Môi trường phát biểu: “Chúng tôi kêu gọi Nippon Suisan, Kyokuyo và Maruha đóng cửa đội tàu đánh cá của họ và kết thúc việc lách luật để giết cá voi vì mục đích thương mại diễn ra suốt 20 qua. Song họ đã khước từ lời kêu gọi giải thể đội tàu đồng thời tiếp tục âm mưu hậu thuẫn không chỉ cho việc săn bắn mà còn mở rộng để tiêu diệt những con cá voi lưng gù, cá voi vây đang có nguy cơ tuyệt chủng.”