Từ ba thập kỷ qua, nhiều khám phá đáng kinh ngạc về đáy đại dương thúc đẩy các quốc gia và giới khoa học toàn cầu lao vào cuộc chinh phục nguồn năng lượng khổng lồ của tương lai: Băng cháy. Như vậy, biển không chỉ đem lại nguồn lợi hải sản, dầu khí.
Đề tài băng cháy được coi là nhạy cảm của thế kỷ 21. Nhật, Ấn Độ, Canada, Mỹ, Na Uy, Nga, Pháp, Trung Quốc là những quốc gia dẫn đầu cuộc chạy đua tìm kiếm băng cháy.
Biển Đông cũng có loại nhiên liệu này.
Chương trình Nghiên cứu, điều tra tiềm năng băng cháy trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam vừa được bổ sung vào Đề án Tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của Việt Nam.
Tại cuộc họp ngày 22/8/2007, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi nguyên nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong việc phát triển ngành tài nguyên – môi trường, cũng như thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Nòng cốt cho chương trình nghiên cứu này là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Công thương.
Ngọn lửa từ băng?
Đó không phải là huyền thoại. Viên băng giống như trái banh tuyết nhỏ. Đơn vị cơ bản của băng cháy là tinh thể rỗng với nhiều phân tử nước tạo thành lớp vỏ và một phân tử methane (còn gọi là khí thiên nhiên) duy nhất bị nhốt bên trong viên băng. Trong nhiệt độ bình thường, chúng tan biến rất nhanh giống như tuyết. Chỉ cần một tia lửa là bốc cháy dễ dàng.
Băng cháy có tên khoa học là Natural hydrate hoặc Gas Hydrate. Đó là một chất ở dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, ở dưới điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C). Khi nhiệt độ tăng hoặc giảm áp suất, băng cháy sẽ phân giải theo tỷ lệ: 1m3 băng cháy cho ra 164m3 khí methane và 0,8m3 nước. Nếu hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của Gas Hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate.
Không gây ô nhiễm môi trường
Hiện nhân loại đang sử dụng methane – một trong những nguồn nguyên liệu hóa thạch hiện hữu – để cung ứng cho 25% nhu cầu hàng ngày của mình và với tốc độ này, khí thiên nhiên methane sẽ cạn kiệt trong vòng 60 năm tới. May mắn thay, theo thông tin từ chương trình nghiên cứu của cơ quan tài nguyên thiên nhiên Canada, trữ lượng băng cháy vừa phát hiện dưới đáy biển có thể đáp ứng 100% nhu cầu năng lượng của thế giới trong 2.000 năm nữa.
Sức mạnh của băng cháy
Băng cháy có mặt dưới đáy các đại dương trên khắp thế giới. Trước hết, nó hiện diện trên một vùng rộng lớn ở các cực của trái đất, trên sườn các lục địa ở độ sâu từ 600 đến 1.000 mét. Trữ lượng của băng cháy ở Canada được xem là nhiều nhất thế giới. Kế đến là Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật, Trung Quốc và Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ lần thứ IV của các chuyên gia về băng cháy tại Canada đã đưa ra nhận định: Trữ lượng của methane trong băng cháy ít nhất 10.000 tỷ tấn carbon, tức là gấp đôi tổng hàm lượng carbon hiện có trong tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch toàn cầu như than, dầu mỏ, khí thiên nhiên. Chỉ riêng vùng biển phía Tây Nam của Mỹ rộng khoảng 26.000km2 đã có tới 35 tỷ tấn carbone tức là 105 lần, nhiều hơn mức tiêu thụ khí thiên nhiên của cả nước Mỹ năm 1996. Dự báo, nguồn băng cháy ở đáy các đại dương lớn gấp khoảng 100 lần so với ở trên lục địa.
Trữ lượng băng cháy ở biển Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phạm Khôi Nguyên trong cuộc họp xây dựng chương trình khung nghiên cứu về băng cháy đã cho biết: Việt Nam có băng cháy và trữ lượng ở mức trung bình. Chương trình nghiên cứu về băng cháy tại Việt Nam gồm hai giai đoạn.
Từ 2007-2015, tập trung nghiên cứu về: khái niệm, tính chất, quá trình hình thành, đặc điểm phân bố của băng cháy trên thế giới và Việt Nam; các công nghệ điều tra, thăm dò, khai thác, vận chuyển và sử dụng băng cháy; khảo sát khoanh định các khu vực có triển vọng về băng cháy; xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn phục vụ công tác điều tra, đánh giá và thăm dò băng cháy của Việt Nam.
Từ năm 2015-2020 sẽ đánh giá, thăm dò băng cháy trên những vùng có triển vọng tại biển và thềm lục địa. Không có gì lạ khi các nghiên cứu, khảo sát, thăm dò kéo dài mươi, mười lăm năm như thế vì hiện nay các nước có nền khoa học tiên tiến nhất vẫn chưa chinh phục được nguồn năng lượng này.
Thật vậy, băng cháy được hình thành ở nhiệt độ và áp suất rất thấp, với trầm tích hàng triệu năm của các sinh vật biển hình thành methane. Chỉ cần một thay đổi về áp suất hoặc nhiệt độ tăng lên 1-2oC, xuất hiện ngay nguy cơ băng cháy phóng thích methane gây nên thảm họa hiệu ứng nhà kính toàn cầu, hiệu ứng ấm lên gấp 10 lần khí CO2 và có thể kích hoạt sóng thần do thềm lục địa bị đổ ụp xuống.