Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại và phát triển của nó gắn liền với môi trường. Sự suy giảm của môi trường đồng nghĩa với sự đi xuống của hoạt động du lịch. Vì vậy, bảo vệ môi trường tự nhiên trong kinh doanh du lịch là điều kiện quyết định sự phát triển của doanh nghiệp và cần sự chung tay của mọi người bằng nhiều giải pháp cụ thể, hữu hiệu chứ không thể phó mặc cho thiên nhiên.
Nguy cơ luôn rình rập
Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, môi trường du lịch chịu tác động lớn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: sự cố tràn dầu, rác thải, các sự cố về đâm tàu… đang là mối lo lớn cho Bà Rịa – Vũng Tàu. Với du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu, du lịch biển đóng vai trò then chốt, vì vậy những rủi ro từ ô nhiễm môi trường biển sẽ tác động trực tiếp tới môi trường du lịch. Sự cố tràn dầu xảy ra trên biển trong năm qua là một ví dụ. Sự cố này đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Hữu Tuần, Phó Giám đốc Khu du lịch Biển Đông phân tích: “Việc bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch là rất quan trọng, bởi nó quyết định sự phát triển của doanh nghiệp. Một năm có 365 ngày, 364 ngày doanh nghiệp làm tốt việc bảo vệ môi trường, nhưng chỉ một ngày sơ suất sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Năm qua, khi sự cố tràn dầu xảy ra, hoạt động kinh doanh của chúng tôi cũng như các doanh nghiệp du lịch khác bị ảnh hưởng lớn. Bản thân các doanh nghiệp du lịch đã tích cực cùng với chính quyền giải quyết rốt ráo bằng cách huy động toàn bộ công nhân viên trong khu du lịch thu gom, và sàng cát, trả lại môi trường trong sạch cho bãi biển khu vực mình quản lý”. Không chỉ nguy cơ từ dầu tràn, rác thải cũng là nguyên nhân không nhỏ tác động đến môi trường du lịch.
Theo khảo sát của Sở Du lịch, trung bình mỗi ngày có hơn 5,3 tấn rác thải từ hệ thống khách sạn, resort, trong đó có khoảng 5 tấn được thu gom qua hệ thống thu gom rác tập trung của Công ty Công trình đô thị. Số còn lại được xử lý bằng biện pháp chôn lấp.
Như vậy, các loại rác thải đã được xử lý tương đối tốt. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mỗi ngày cũng có hơn 1.600m3 nước thải ra từ các khu du lịch, resort, khách sạn, nhưng chỉ có khoảng 300m3 nước thải trong số đó được xử lý trước khi thải ra hệ thống thoát nước đô thị hoặc tái sử dụng vào mục đích khác. Số còn lại được lắng qua bể rồi cho thấm vào đất, cũng có một số cơ sở cho thoát trực tiếp vào hệ thống nước thải đô thị.
Một số đơn vị có hệ thống xử lý nước thải tốt và tái sử dụng vào mục đích tưới cây như khu du lịch Kỳ Vân (tái sử dụng 50%), làng du lịch Bình An (tái sử dụng 100%), Long Hải Beach Resort (60%)… Cũng theo khảo sát của Sở Du lịch một số cơ sở ở khu vực mặt tiền đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu đang gặp khó khăn trong vấn đề xây dựng hệ thống nước thải là phải thuê đất làm hố gas hoặc thuê hố gas để chứa nước thải do nằm trên cung đường chưa xây dựng hệ thống thoát nước chung. Đây phần lớn là những cơ sở được xây dựng từ trước khi có Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 và 2005. Nước thải tại một số cơ sở này chỉ được xử lý sơ bằng bể tự lắng nên về lâu dài có thể gây ô nhiễm nguồn nước mặt tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường chung.
Bà Rịa – Vũng Tàu nằm ở khu vực cuối nguồn sông Đồng Nai và sông Sài Gòn nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do rác thải từ các khu vực thượng nguồn mang lại là khó tránh khỏi, vì vậy càng khiến cho việc xử lý và bảo vệ môi trường càng khó.
Tại cuộc họp về bảo vệ môi trường du lịch vừa được Tổng cục Du lịch tổ chức tại TP. Vũng Tàu, ông Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Môi trường du lịch ở Bà Rịa – Vũng Tàu khá đa dạng: cảnh quan tự nhiên xanh, bờ biển dài, có khu bảo tồn sinh học có giá trị ở Côn Đảo. Đó là những thuận lợi lớn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để bảo đảm cho du lịch của tỉnh phát triển bền vững, việc bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường cần được thực hiện nghiêm,
Cần giải pháp đồng bộ
Môi trường được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, qua đó ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách, đến sự tồn tại của hoạt động du lịch. Hơn nữa, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu kinh doanh dựa trên những nguồn lợi có sẵn từ thiên nhiên, vì vậy việc giữ gìn, bảo vệ cảnh quan, môi trường là việc làm có tính “sống còn” đối với các doanh nghiệp.
Nắm bắt được điều này, ngành cũng như các cơ sở kinh doanh du lịch đã chú trọng đến việc bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, Sở Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường: tổ chức thu thập phiếu điều tra thông tin về môi trường du lịch trong hệ thống các doanh nghiệp du lịch làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường; phối hợp với ngành liên quan tiến hành điều tra về tài nguyên du lịch; xây dựng đề cương chi tiết về bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch tỉnh đến năm 2010; tham gia hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của 18 dự án du lịch…
Nhiều du khách đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển. |
Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh du lịch cũng có những hoạt động cụ thể nhằm bảo vệ môi trường như: khu du lịch Kỳ Vân, bên cạnh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hoà vào thiên nhiên, đơn vị này còn đầu tư hơn một tỷ đồng để xây dựng hệ thống xử lý nước thải và tái sử dụng tới 50% lượng nước thải để tưới cây, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Hàng ngày, cứ khoảng 6 giờ sáng là toàn bộ nhân viên khu du lịch này đều được điều động đi quét dọn và thu gom rác trên bãi biển. Sau đó 2 giờ, những nhân viên vừa làm nhiệm vụ trực cứu hộ, vừa làm nhiệm vụ quét dọn rác trên suốt chiều dài 500m của bãi biển.
Tại khu du lịch Biển Đông (TP. Vũng Tàu), ngoài đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải, khu du lịch còn chủ động làm sạch môi sinh, môi trường; thường xuyên cử công nhân viên vệ sinh bờ biển, thu gom và vớt váng rong; tổ chức trồng cây xanh trong khuôn viên khu du lịch, năm 2007 đã trồng được khoảng 2.000 cây xanh…
Công tác đào tạo, tập huấn cho nhân viên về bảo vệ môi trường cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh. Mặc dù hiện nay, chưa có một lớp đào tạo bài bản cho cán bộ, công nhân viên về bảo vệ môi trường, nhưng thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, và giao việc cụ thể cho từng bộ phận nên khi có sự cố về môi trường xảy ra hầu hết nhân viên tại các khu du lịch, resort đều có thể xử lý được.
Bảo vệ môi trường trong kinh doanh du lịch là rất quan trọng, nó quyết định đến sự phát triển bền vững của du lịch. Bảo vệ tốt môi trường trong kinh doanh du lịch góp phần cải thiện sự xuống cấp của môi trường nói chung, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn, khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường. Vì vậy, việc bảo vệ môi trường, nhất là môi trường du lịch biển cần sự chung tay của các ngành, các cấp và người dân.