ThienNhien.Net – Mức sống của con người ngày càng cao thì vấn đề rác thải cũng trở thành một vấn đề nóng, không chỉ ở đô thị mà vùng nông thôn cũng không tránh khỏi. Có nhiều loại rác nhưng "nổi bật" hơn cả là các loại như bao gói túi đựng bằng chất nhựa ni lông, chai lọ nhựa thuỷ tinh. Nhiều thứ rác thải khác được thải ra hàng ngày ở gia đình và "nằm" rải rác trên đường thôn lối xóm. Những loại rác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất cảnh quan khu dân cư.
Thôn Tiền, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình không phải là ngoại lệ. Nhiều năm qua chính quyền địa phương cùng các tổ chức hội như: Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên trong thôn đã phát động nhiều đợt làm vệ sinh thu gom rác thải. Mặt khác thôn đã có hương ước và qui định mỗi gia đình phải tự giác làm vệ sinh, bỏ rác thải vào bao đựng, đến lúc đầy thì tự đem đi đổ vào hố rác đã qui định của toàn thôn ở xa vùng dân cư. Tuy vậy, sau một thời gian thì nạn rác thải đâu vẫn không có gì biến chuyển. Điểm mấu chốt của việc gây ô nhiễm kéo dài ở trong thôn xóm là chính khâu cuối cùng mỗi gia đình tự đem rác đi đổ. Vì nơi đổ rác thải theo qui định khá xa mà nhiều người dân lại chưa tự giác. Chính vì vậy, rác vẫn được đổ một cách tuỳ tiện bên vệ đường, ở nơi khuất mắt. Thậm chí tranh thủ khi đi làm đồng không ít người đổ rác ngay trên lòng mương bờ ruộng. Những việc làm trên làm cho các loại rác như bao gói ni lông chai lọ được “bày biện” ở nhiều nơi, ngay cả ở đất ruộng. Đây chính là điều cần lưu ý nhất.
Trước hiện trạng đó, tháng 5/2006 Chi hội phụ nữ thôn Tiền, đứng đầu là ban chấp hành hội đã đứng ra tổ chức họp hội phụ nữ thôn bàn chuyên đề về làm vệ sinh gia đình và thôn xóm. Phát động chị em phụ nữ là người thường tiếp xúc với các loại rác thải từ việc nội trợ hàng ngày, vừa là hạt nhân nhắc nhở các thành viên trong gia đình thực hiện vệ sinh thu nhặt rác thải bỏ vào bao rác gia đình. Chi hội phụ nữ thôn Tiền thành công chính là đã đưa ra một giải pháp hợp lý mang tính cộng đồng đã được hội nghị thống nhất. Đó chính là khởi đầu việc thành lập một tổ thu gom rác, mỗi tháng một lần sẽ đến từng gia đình tiếp nhận và vận chuyển rác đem tới hố rác của thôn qui định. Mỗi gia đình một tháng chỉ bỏ ra một ngàn đồng đóng góp cho tổ thu gom rác. Số tiền khiêm tốn và hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh vùng nông thôn nghèo nên đã thu hút được mọi người tham gia đầy đủ.
Rác ở vùng nông thôn có đặc thù riêng, chỉ tồn đọng các loại rác khó phân huỷ như bao gói bằng nhựa ni lông và chai lọ nhựa thuỷ tinh vỏ ốc hến nên mỗi tháng tổ vệ sinh chỉ cần đi thu gom một lần. Còn các thứ thải khác như thức ăn thừa cho gia súc, các loại gỗ dùng đun nấu, các loại rác dễ phân huỷ khác thì bỏ vào hố rác ủ làm phân bón.
Thời gian đầu, tổ thu gom rác thải chính là các chị em trong ban chấp hành chi hội phụ nữ thôn đứng ra đảm nhiệm. Các chị đi đến từng gia đình thu nhận rác kết hợp với vận động tuyên truyền cho các gia đình thực hiện vệ sinh môi trường. Phương tiện chở rác là những chiếc xe bò rồi đưa đến khu qui định xử lý đốt cháy và tiến hành chôn lấp. Sau nhiều tháng hoạt động như vậy các chị đã tạo thành một thói quen cho các gia đình trong thôn xóm. Công việc thu gom rác trong thôn được giao cho một người có bò kéo đảm nhiệm. Cứ đến cuối tháng xe bò sẽ đi đến từng hộ gia đình thu gom rác và trực tiếp nhận tiền thù lao từ mỗi gia đình như qui định. Hội phụ nữ kết hợp với Trưởng thôn lúc này chỉ tiến hành đôn đốc kiểm tra nhắc nhở duy trì nề nếp làm vệ sinh như đã hình thành.
Việc làm được triển khai từ một Chi hội phụ nữ thôn, đã có phương pháp thu gom rác thải đơn giản, phù hợp với địa bàn vùng nông thôn, lại gìn giữ được cảnh quan môi trường sạch đẹp./.