Chưa bao giờ tình trạng phá rừng trên đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam lại bị tàn phá dữ dội như lúc này. Mỗi ngày có đến hàng trăm chiếc mô tô hiệu Minsk ngang nhiên chở gỗ lậu.
Thủ đoạn ngày càng tinh vi
Men theo Quốc lộ 14B, từ Đà Nẵng lên các huyện miền núi Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… nằm trên đường Hồ Chí Minh, thuộc tỉnh Quảng Nam, khi đến barie của trạm kiểm lâm Đại Hồng (Đại Lộc), trước mắt là một bãi gỗ cực lớn mà trạm kiểm lâm này vừa thu giữ từ lâm tặc. Bên trong bãi tập kết gỗ, các nhân viên kiểm lâm cũng đang di lý chiếc xe 12 chỗ chất đầy gỗ; tài xế đã bỏ trốn. Chiếc xe này dùng biển số giả.
Theo ông Đặng Công Ánh, Trạm phó Trạm Kiểm lâm Đại Hồng, lâm tặc thường dùng ruột xe, bơm no hơi làm phao để chuyển gỗ theo đường sông vào đêm khuya, vượt trạm kiểm lâm để chuyển gỗ lên ô tô rồi vận chuyển xuống miền xuôi. Trong quá trình vận chuyển, nếu bị phát hiện, chúng lấy dao rạch phao cho gỗ chìm xuống nước để phi tang vật chứng.
Trong năm 2007, Trạm Kiểm lâm Đại Hồng đã bắt giữ 85 vụ vận chuyển gỗ lậu, thu giữ gần 300m3 gỗ – một lượng gỗ không nhỏ, cho thấy rừng Quảng Nam đã bị tàn phá dữ dội.
Ông Nguyễn Ngọc Xin, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, cho biết năm 2007, đơn vị này đã phát hiện và bắt giữ trên 200 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ trên 400m3 gỗ. Vụ lớn nhất là vào tháng 10/2007, 4 đối tượng từ Nam Định vào Quảng Nam khai thác đến 40m3 gỗ lậu. Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án này.
Như chỗ không người
Đêm ở trị trấn Thành Mỹ (huyện Nam Giang) thật nhộn nhịp. Hàng chục chiếc xe khách liên tục đổ dốc về xuôi. “Làm gì có khách mà chạy, hầu hết là xe vận chuyển gỗ đó chú ạ!” – bà Nguyễn Thị Hạnh, người dân ở địa phương, nói.
Trên đường từ Thành Mỹ đi huyện Đông Giang, khi vượt Dốc Trời chừng 200m, bắt gặp nhiều lán trại dã chiến của lâm tặc dựng ngay bên đường làm điểm tập kết gỗ. Gần lán trại là những con trâu, cổ đã tròng sẵn xe kéo để chuẩn bị đưa gỗ từ rừng ra ven đường. Cạnh đó là những chiếc xe Minsk túc trực, sẵn sàng đưa gỗ về xuôi.
Cách Dốc Trời chừng 2km, những cảnh vận chuyển gỗ nhộn nhịp, ung dung. Hàng chục con trâu kéo gỗ từ rừng ra, đám thanh niên đợi sẵn ở lán trại để đưa gỗ lên xe Minsk rồi tải xuống bãi tập kết gỗ lậu dưới bờ sông Cái. Một số phụ nữ vận chuyển cỏ, lá mía lên làm thức ăn cho đám trâu kéo gỗ. Từ bên trong khu rừng, tiếng máy cưa gỗ rào rào, đều đặn; tiếng cây ngã đổ ầm ào đã trở thành âm thanh quen thuộc ven đường Hồ Chí Minh.
Vào sào huyệt lâm tặc
Để xâm nhập khu rừng bị tàn phá trên đường Hồ Chí Minh, phải cải trang thành người đi tìm lá thuốc chữa bệnh, đồng thời thuê một thanh niên địa phương dẫn đường. Trước khi vào rừng, phải qua kiểm tra, sát hạch của 2 thanh niên khác túc trực tại cửa rừng. Trên tay 2 thanh niên này lúc nào cũng thủ sẵn điện thoại di động.
Vào rừng được 500m, đã bắt gặp ngay 2 con trâu đang ì ạch kéo 2 đoạn gỗ có đường kính khoảng 60cm, dài 4m. Nhìn quanh, hàng chục cây rừng bị đốn hạ từ bao giờ, chỉ còn trơ gốc. Tiếp tục vào sâu bên trong, bắt gặp nhiều đống gỗ ngổn ngang. Rất nhiều gốc cây còn in dấu cưa mới rợi. Gần đó, 3 thanh niên đang hạ cây rừng bằng cưa máy…
Năm nay, đường Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Nam bị sạt lở nặng nhất từ trước đến nay. Chỉ một đoạn đường từ Nam Giang qua Đông Giang đã có gần 100 điểm sạt lở nghiêm trọng. Theo người dân địa phương, nguyên nhân đường bị sạt lở nặng là do nạn phá rừng quá dữ dội.