ThienNhien.Net – Cuối tháng 09/2007, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2007 – 2010 và chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện. Có thể coi đây là bước tăng cường nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác giao đất lâm nghiệp, giao rừng, cho thuê rừng thời gian qua.
Theo kết quả kiểm kê cuối năm 2005, diện tích rừng đã được giao cho các chủ quản lý, sử dụng như sau: doanh nghiệp Nhà nước 2.878.701 ha, ban quản lý rừng phòng hộ 1.553.285 ha, ban quản lý rừng đặc dụng 1.625.046 ha, đơn vị liên doanh 66.630 ha, hộ gia đình 2.854.883 ha, tập thể 559.470 ha, đơn vị vũ trang 262.493 ha, UBND các cấp 2.816.191 ha
Diện tích rừng phân theo loại chủ quản lý (tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2005) |
Nguồn: Bộ NN&PTNT |
Mặc dù công tác bảo vệ và phát triển rừng đang từng bước được đẩy mạnh nhưng còn thể hiện một số điểm hạn chế lớn như mức độ chênh lệch giữa tỷ lệ diện tích rừng do khối nhà nước (45%) và khối tư nhân (23%) quản lý, khai thác còn lớn, làm giảm hiệu quả xã hội của chính sách giao rừng, cho thuê rừng của Nhà nước và chưa huy động được nguồn lực to lớn trong dân.
Nhiều nơi diện tích rừng giao cho chủ rừng và người dân chưa xác định cụ thể trên bản đồ và thực địa; hồ sơ giao đất, giao rừng thiếu nhất quán, quản lý không chặt chẽ và không đồng bộ. Có những diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao/quản lý đã bị chuyển đổi mục đích khác nhưng không bị xử lý hoặc làm ngơ.
Diện tích rừng có chủ thực sự rất thấp, dẫn đến tình trạng rừng chưa được bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả. Qua đánh giá của một số địa phương, hiệu quả sau giao rừng chỉ đạt 20% – 30%. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước quản lý diện tích rừng lớn nhưng không có khả năng kinh doanh và chưa được tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh có hiệu quả diện tích rừng được giao; các diện tích rừng do UBND các cấp quản lý thì cơ bản vẫn trong tình trạng vô chủ hoặc không được bảo vệ, quản lý tốt; nhiều diện tích rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân chưa phát huy hiệu quả kinh tế, người dân vẫn chưa sống được bằng nghề rừng.
Công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa gắn kết với công tác giao rừng và các cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm, vì vậy hiệu quả của việc sử dụng rừng và đất rừng còn rất thấp, tài nguyên rừng vẫn bị suy giảm và đời sống của người dân cũng không được cải thiện.
Đề án mới 2007 xác dịnh rõ mục tiêu đến năm 2010, cần hoàn thành về cơ bản việc giao, cho thuê 12,6 triệu ha rừng đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, trong đó: a) Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hồ sơ giao rừng, cho thuê rừng và đất có rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành cho khoảng 8,8 triệu ha rừng phòng hộ, đặc dụng và sản xuất (rừng tự nhiên do nhà nước đang quản lý và rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước) đã giao cho các chủ rừng; b) Giao rừng, cho thuê rừng đối với 2,8 triệu ha rừng hiện đang do UBND các cấp quản lý đến các chủ rừng cụ thể, ưu tiên các chủ rừng là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân là người địa phương; c) Rà soát và hoàn thành thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có rừng 1 triệu ha (diện tích rừng không do ngân sách nhà nước đầu tư).
Theo Phòng Bảo vệ rừng, Phòng cháy chữa cháy rừng thuộc Cục Kiểm lâm, đơn vị giám sát đề án. Đến nay, các địa phương đang bắt đầu triển khai đề án và chưa có báo cáo về Cục.
Kiên Giang là một trong những tỉnh đầu tiên công bố việc triển khai để án giao rừng, cho thuê rừng. UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã giao Sở NN&PTNT tỉnh xây dựng quy hoạch chi tiết, lập các dự án đầu tư cụ thể để cho thuê 8.710ha rừng tại Phú Quốc phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Phòng Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết diện tích rừng thực hiện đề án thuộc rừng phòng hộ và vùng đệm VQG Phú Quốc. Hiện đã có khoảng 60-70 tổ chức, cá nhân đăng ký thuê kinh doanh.