Trong bối cảnh mỗi năm thế giới có khoảng 2 triệu người ngộ độc do rau, trong đó 40.000 người tử vong (thống kê của Tổ chức Lao động thế giới), hơn ai hết, mỗi người dân đều mong muốn an tâm trong bữa ăn. Tuy nhiên…
Đa số rau trong bữa ăn không an toàn
TS Ngô Quang Vinh (Trưởng phòng nghiên cứu kỹ thuật canh tác – Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam) vừa công bố nghiên cứu khiến nhiều người giật mình: Đa số các loại rau chúng ta ăn trong bữa ăn hàng ngày hiện nay không an toàn.
Lý do vì hiện diện tích rau an toàn (RAT) trong cả nước chỉ mới đạt khoảng 10%. 90% còn lại là trồng rau thông thường. Đáng nói, 90% diện tích rau được trồng thông thường đang thường trực trong bữa cơm của đại đa số người dân đã trồng trên đất, trên nước hoặc dùng nước tưới không an toàn. Điển hình tại TPHCM có 100% diện tích rau muống nước được trồng ở những vùng đất trũng ngập nước. Trong đó, gần 50% sử dụng nguồn nước kênh rạch hôi thối.
Đáng báo động hơn, theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TPHCM, có khoảng 30% nông dân trồng rau muống trên các ruộng nước thải đã dùng dầu nhớt để phòng trừ rầy. Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm, đã cấm mà chưa chấm dứt được.
Còn ở Hà Nội (vùng sản xuất và tiêu thụ lớn nhất phía bắc), theo báo cáo có tới 108/478 vùng không đủ điều kiện sản xuất RAT, người dân trồng các loại rau muống, rau cần, xàlách, cải soong bằng nước thải sông Tô Lịch.
Giá cao, khó bán
Một thực tế khá phũ phàng là hiện nay giá RAT lại không tới nổi “tầm với” của người nghèo. Lấy rau mầm (RM – loại rau giàu dinh dưỡng và an toàn nhất hiện nay, mà TPHCM đang phấn đấu phổ cập đến từng bữa ăn gia đình) làm điển hình, thì theo Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp TPHCM (Sở NNPTNT TPHCM) hiện RM chủ yếu được bán trong siêu thị như Metro, Coopmart, BigC (tiêu thụ từ 50-100kg/ngày); hoặc đổ vào các nhà hàng, khách sạn, một số Cty, xí nghiệp nhưng với số lượng quá ít ỏi, mỗi nơi từ 5-10kg/ngày.
Trong khi đó, chợ là nơi phổ cập nhất đến người dân thì RM lại rất “thoi thóp” đất sống, chỉ vài nơi bán như chợ Bến Thành, Tân Định mặc dù thị trường thì rất rộng mở, đến mức ngành chức năng phải ước ao: “Không tính chợ, nếu 20% trong tổng số 5.000 nhà hàng, quán ăn ở TPHCM này tiêu thụ khoảng 5kg/ngày thì mỗi ngày, dân cũng bán được tới 5 tấn RM”.
Nguyên nhân RM chưa phổ biến rộng rãi, chủ yếu vì giá thành cao gấp 4-5 lần rau thường (từ 30.000-40.000đ/kg so với 9.000-10.000đ/kg rau thường) nên đã hạn chế đối với người dân có thu nhập thấp, mặc dù ai cũng hiểu “tiền thuốc quá tiền rau”.
Các loại RAT khác rẻ hơn RM cũng cao hơn rau thường 7-10% (do chi phí trồng RAT cao hơn rau thường) cũng chủ yếu tiêu thụ trong siêu thị, tức là chỉ đến với một đối tượng nhất định chứ không phải số đông.
“Treo đầu dê…”
Theo TS Ngô Quang Vinh, RAT hiện nay thực chất cũng không đảm bảo an toàn. Theo kết quả điều tra mới đây của Cục BVTV (Bộ NNPTNT) thì có từ 30-60% số mẫu rau quả tươi có dư lượng thuốc BVTV. Trong đó, 100% mẫu đậu đỗ ở Hà Nội, hơn 66% số mẫu rau cải tại TPHCM và Đồng Nai có dư lượng độc hại vượt mức cho phép. Khoảng 30% số mẫu rau ở Hà Nội và Hà Tây có hàm lượng asen.
Đáng báo động hơn là tình trạng treo đầu dê, bán thịt chó”. Theo Cục BVTV, kết quả kiểm tra gần đây của Chi cục BVTV Hà Nội cho thấy, hơn 60% số cơ sở (gồm cả siêu thị lẫn các cửa hàng kinh doanh) buôn bán rau mang mác RAT, nhưng không nguồn gốc hoặc có nguồn từ nước ngoài hay những vùng sản xuất rau không an toàn.
Theo quy định, RAT phải đăng ký tiêu chuẩn đo lường, chất lượng, dán tem mã vạch để đảm bảo với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng rau. Hà Nội đã xuất hiện rau “bẩn” dán tem an toàn.
Cụ thể, Chi cục BVTV Hà Nội đã phát hiện cơ sở sản xuất RAT của ông Trần Văn Mây (huyện Đông Anh) “sáng tác” ra một kiểu tem mã vạch hoàn toàn mới rồi photocopy hàng trăm, hàng nghìn bản rồi dán lên túi rau, đưa vào nhiều siêu thị để tiêu thụ.
Với thực trạng trên, không phải thiếu cơ sở khi nói rằng, bữa ăn của mỗi gia đình hiện nay luôn đầy hiểm hoạ.