Ngày 20/12, người dân thôn Đông Yên, phường Hoà Thuận, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam kéo nhau ra kiên quyết giữ chặt "chốt gác" chặn đường, không cho đoàn xe chở rác thải của Cty môi trường đô thị Quảng Nam vào bãi đổ rác trở lại.
Suốt một tháng trời qua, bãi rác Đông Yên đã bị người dân “cấm vận”, khiến khắp nơi trong thành phố tỉnh lỵ này ứ ngập rác, cả người dân lẫn chính quyền đều “la trời”.
Lập chốt, dựng lều ngăn xe rác
Đúng 10h ngày 20/12, chiếc xe chở rác thải đầu tiên của Xí nghiệp môi trường đô thị Tam Kỳ (thuộc Cty môi trường đô thị Quảng Nam) tiến vào cổng bãi rác Đông Yên. Các công nhân tháo dỡ barie bằng tre đóng ngay cổng, cho xe vào bãi đổ rác thải êm thấm.
Ông Đoàn Kim Thịnh – GĐ xí nghiệp – túc trực ở đây để trực tiếp chỉ đạo cuộc đổ rác trở lại sau hơn 1 tháng bãi rác bị người dân lân cận “cấm vận”.
Ông Thịnh nói: “Chúng tôi đã xử lý tất cả rác tồn lưu tại bãi theo đúng quy trình, khắc phục xong việc rò rỉ nước thải ra ngoài, gây ảnh hưởng môi trường, sản xuất, đến nay nước không còn tràn ra và không còn mùi hôi thối nữa. Chúng tôi cũng đã chi trả tiền hỗ trợ thiệt hại sản xuất cho 34 hộ dân, với mức 300.000 đồng/sào ruộng. Các bên đồng thuận, chúng tôi mới được phép vận hành bãi rác trở lại vào hôm nay”.
Thế nhưng, chỉ 15 phút sau, mấy chục người dân kéo đến, lập tức dựng lại barie vừa bị tháo dỡ, nhốt chiếc xe chở rác đầu tiên vừa quay đầu ra chưa khỏi cổng, và chặn đoàn xe rác vừa tiếp tục đến nơi đứng bánh bên ngoài cổng.
Không phải chúng tôi không cho đổ rác, mà là đã nhiều lần yêu cầu ông Dũng – Phó GĐ Sở Tài nguyên – Môi trường chủ trì họp vừa rồi hứa xử lý bãi rác đảm bảo môi trường, giải quyết thoả đáng quyền lợi cho dân, nhưng chưa thấy chi hết thì đã đổ rác trở lại, là chưa được” – những người dân nói.
Ông Nguyễn Văn An – Phó Chủ tịch UBND phường Hoà Thuận – kịp có mặt tại hiện trường – giải thích: “Bãi rác gây ô nhiễm môi trường lâu nay, ảnh hưởng trực tiếp đến bà con. Năm nào dân cũng kiến nghị, nhưng Cty môi trường không xử lý đến nơi đến chốn. Thế nên vụ việc “nổ” ra từ 19/11 đến nay mới “căng”. Dân lập rào chắn, căng lều bạt, ăn ngủ tại chỗ để chặn xe rác ra vào bãi, chốt giữ hoài từ đó đến nay”.
Thành phố thành túi rác
Theo ông Thịnh, trong thời gian bị “cấm vận”, Cty phải chuyển bớt rác thải sinh hoạt của TP – bình quân 250 tấn/ngày – đi đổ ở các huyện Núi Thành và Đại Lộc. Bình thường, xí nghiệp tổ chức thu gom rác 2 ngày 1 lần, nhưng nay phải 5-7 ngày. Hệ luỵ từ việc “cấm vận” bãi rác Đông Yên, là cả TP.Tam Kỳ dồn ứ rác thải. Khắp các ngả đường tỉnh lỵ, rác thải vương vãi.
Những bãi rác tạm chất đống nhiều nơi bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy, nước chảy tràn lan. Ngay phía sau trụ sở UBND tỉnh, trên đường Lý Thường Kiệt, chình ình đống rác tạm do công nhân thu gom từ nhà dân về đổ tràn ra đường.
Ông Hoàng Xuân Việt – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ – bức xúc nói: “Rác tràn ngập thành phố, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, có khả năng phát sinh dịch bệnh.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, UBND TP và Cty môi trường đã phối hợp giải quyết, nhưng cũng chỉ là tạm thời, nên sự việc lại phát sinh. Về lâu dài, UBND TP đề nghị phải quy hoạch, xây dựng bãi rác mới tại khu vực phù hợp, xa dân cư, đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường, và thực hiện chủ trương xã hội hoá lĩnh vực này, để ngân sách nhà nước giảm chi phí, đồng thời giao lại cho UBND TP, phường thu phí rác thải để tránh thất thu”.