Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều lợi thế trong sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây và phát triển kinh tế biển, nhưng đời sống người dân vẫn nghèo so với nhiều khu vực khác trong cả nước. Làm gì để kinh tế ĐBSCL phát triển bền vững trong xu thế môi trường bị suy giảm, đang là vấn đề bức xúc hiện nay.
Bài toán kinh tế và môi trường
Ngày 18/12/2007, Chi nhánh Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (CCI) tại Cần Thơ và Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về Công nghiệp nào cho ĐBSCL. Tại buổi tọa đàm này, một đại diện đến từ Ban Quản lý Khu công nghiệp Vĩnh Long đã “nói thật” về chuyện các công ty xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thường không mạnh dạn đầu tư cả chục triệu USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung khi chưa có nhiều nhà đầu tư vào khu công nghiệp, vì sợ bị lỗ vốn. Đến khi khu công nghiệp được lấp đầy, các nhà máy trong khu công nghiệp đã xả nước thải, thì các công ty xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới tính đến chuyện xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ông Phạm Việt Trung, Phó Giám đốc Sở Công nghiệp TP Cần Thơ, bổ sung: Trong khi các khu công nghiệp chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, thì một số nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không vận hành thường xuyên, vì ngại tốn kém chi phí. ĐBSCL hiện có hơn 130 khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các khu, cụm công nghiệp đều nằm tiếp giáp sông và đều chưa có hệ thống xử lý nước thải.
Hiện nay, điều bức xúc là một số nhà máy thuộc các ngành nghề dễ gây ra ô nhiễm lại được đặt ở vị trí đầu nguồn nước, còn nhà máy an toàn về môi trường thì được đặt ở gần biển. Theo Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi trường – Tài nguyên (Trường Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh), chuyện “đặt nhầm” vị trí như trên do việc xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp ở ĐBSCL mang tính tự phát, chưa có sự gắn kết giữa các địa phương trong vùng.
Ngoài chuyện xây dựng các khu công nghiệp, hiện nay việc thu hút đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng “có vấn đề”. Tiến sĩ Trần Võ Hồng Sơn, giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng khi chuyện xé rào (giảm miễn tiền thuê đất, tiền thuế) bị phát hiện và ngăn chặn, các địa phương dùng đến lợi thế dễ dãi trong thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường để lôi kéo và thu hút đầu tư. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án A được sao chép từ dự án B cũng khá phổ biến. Tiến sĩ Trần Võ Hồng Sơn nói: “Cách làm trên đồng nghĩa với việc bán một phần môi trường để công nghiệp hóa đang diễn ra ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chính của tình trạng trên do việc báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đi vào thực chất mà chỉ là hình thức”.
Đồng thuận với nhận định trên, tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ băn khoăn: “Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, ĐBSCL đã đi sau các nơi khác một bước. Khi các địa phương khác dũng cảm từ chối các dự án nhạy cảm về môi trường, thì ĐBSCL có khả năng tiếp tục đi sau thêm một bước nữa khi dang tay tiếp nhận các dự án có vấn đề về môi trường “trôi dạt” từ các nơi khác đến, mà thiếu chọn lựa”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, tình cảnh phá rừng để đào ao nuôi tôm vẫn đang tiếp diễn, các loại vật tư nông nghiệp vẫn đang được sử dụng bừa bãi. Nhiều loại chất thải độc hại trong dân cư, y tế, xây dựng… vẫn chưa được kiểm soát… Tất cả những diễn biến trên đang là lời cảnh báo về tình trạng ô nhiễm môi trường ở ĐBSCL hiện nay.
Để phát triển bền vững
Giáo sư Tiến sĩ Võ – Tòng Xuân cho rằng nông dân không “có tội” khi phá rừng nuôi tôm, cá để làm giàu cho bản thân. Tuy nhiên, để giúp nông dân ổn định cuộc sống và bảo vệ rừng thì các nhà khoa học có trách nhiệm phải nghiên cứu và cung cấp thêm cho nông dân các mô hình sản xuất phù hợp hơn, như mô hình sản xuất lúa-tôm; rừng- tôm như trước đây. Riêng Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng bộ môn Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ thì mong muốn việc đánh giá tác động môi trường của từng công trình, dự án phải đi vào thực chất; các cơ quan chức năng sớm qui định nâng cao mức đóng góp của các dự án gây ô nhiễm và các đối tượng sử dụng nhiều nước để tăng mức đầu tư cho các vườn quốc gia – những lá phổi xanh của đất nước. Còn Tiến sĩ Chế Đình Lý đề nghị các địa phương chỉ nên tiếp nhận các dự án thân thiện với môi trường, các dự án phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản theo xu hướng bền vững. Riêng các dự án nhạy cảm với môi trường như sản xuất giấy, xi mạ, hóa chất… thì cần cân nhắc thận trọng hơn. Tiến sĩ Chế Đình Lý phân tích: Nếu tổng sản phẩm nội địa (GDP) của một địa phương tăng 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.200 USD, nhưng tình trạng môi trường (nước, không khí, tiếng ồn) giảm và phải chi 5% GDP để khắc phục ô nhiễm môi trường thì không ý nghĩa so với mức tăng trưởng GDP 7%-8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.000 USD và bảo vệ được môi trường sống trong lành.
Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói: “Để vượt qua hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu, một số doanh nghiệp ở ĐBSCL đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong chế biến thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng quy trình nuôi tôm, cá sạch. Trong 2-3 năm tới, nếu doanh nghiệp không đạt các tiêu chí trên sẽ mất hết thị trường xuất khẩu. Trong xu hướng đó, một số dự án nhạy cảm về môi trường đang được hình thành ở ĐBSCL là mối đe dọa sẽ giết chết thế mạnh phát triển thủy sản của vùng”. |
Thạc sĩ Nguyễn Minh Thông, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho rằng khái niệm mùa lũ chỉ mới xuất hiện ở ĐBSCL khi các địa phương ở vùng này “đua nhau” đắp đê ngăn lũ. Giờ đây, nguồn nước mặt ở ĐBSCL ít có cơ hội được bồi đắp phù sa và cung cấp các loại thủy sản cho vùng châu thổ này, vì đã bị đẩy ra biển. Khi đề cập đến vấn đề môi trường ở lưu vực sông
Ngoài các giải pháp trên, các nhà khoa học còn đề nghị Chính phủ cần đầu tư nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn môi trường riêng cho vùng ĐBSCL với hệ sinh thái ngập nước đặc thù. Mặt khác, công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng cần được tăng cường; khi tất cả mọi người đều ý thức thì việc bảo vệ môi trường sẽ tốt hơn, phát triển kinh tế sẽ bền vững hơn.