Với 141 ngôi chùa, Trà Vinh là một trong các tỉnh ở Nam Bộ có nhiều chùa Phật giáo Nam Tông Khmer. Truyền thống trồng cây từ khi khởi dựng ở các chùa đã tạo nên rừng cây cổ thụ vốn là nơi cư trú của nhiều loài chim trời. Tuy nhiên, buồn làm sao khi nhiều ngôi chùa mươi năm trước hãy còn từng đàn chim cò bay tới trú ngụ, nay vắng bóng vì nạn săn bắn và sự thiếu ý thức của con người…
“Bảo tàng” chim trong vườn chùa
Được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia vào năm 1999, chùa Angkorette Pali (thường gọi chùa Âng) là ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa cách trung tâm thị xã khoảng 7km, tọa lạc trên khu đất 4ha, ẩn mình trong rừng cây cổ thụ của Ao Bà Om. Không chỉ nức tiếng gần xa vì kiến trúc cổ kính, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, chùa còn được nhiều người biết đến bởi sự hiện diện đông đúc của nhiều loài chim cò. Nơi đây từng được du khách đánh giá là bảo tàng chim trong vườn chùa sống động nhất miền Tây Nam Bộ.
Là Di tích Lịch sử- Văn hóa cách mạng, tọa lạc ở ấp Nhất A (xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang), được thành lập vào năm 1871, trong quá khứ, chùa Giác Linh là nơi diễn ra các cuộc họp của xứ ủy, cán bộ cách mạng Trà Vinh thời kỳ chống Pháp, Mỹ. Dù cách thị xã Trà Vinh hơn 30km nhưng ngôi cổ tự này vẫn được khách đường xa tìm đến vì ngoài giá trị lịch sử, chùa còn là hệ sinh thái thu nhỏ, là mái nhà của nhiều loài chim cò. Trụ trì chùa, hòa thượng Thích Chí Nguyện, cho biết: “Chùa có hơn chục loài chim sinh sống và còn có loài dơi ngựa lớn (tên khoa học là Pteropus vampyrus) vốn được chính phủ liệt vào danh sách động vật hoang dã nhóm IIB, nhóm hạn chế săn bắt, khai thác”.
Nổi bật nhất trong hệ thống “bảo tàng chim trong vườn chùa” là chùa Giông Lớn, còn có tên “Chùa Cò”, tọa lạc ở xã Đại An, huyện Trà Cú. Theo hòa thượng Nhíp Thương, chùa được xây dựng từ năm 1677, trải qua 13 đời nhà sư trụ trì. Vị sư già kể chuyện, hồi ông còn nhỏ, đã thấy chùa dày đặc bóng chim cò, bồ câu, mồng két, các loại cò vạc, sẻ đá, cồng cộc, sao sẻ… Những khi chiều tà, hàng ngàn con chim cò về tổ vẫy cánh chao lượn kêu hót rợp trời…
Chỉ còn là chuyện quá khứ!
Ngoài ba ngôi cổ tự nổi tiếng vì có “tuổi đời” lâu năm và nhiều chim cò sinh sống, Trà Vinh còn có nhiều ngôi chùa khác cũng nức danh “rộn tiếng chim kêu” như chùa Nodol, chùa Khương (Gươl)… Điều đáng buồn là cùng với thời gian, số lượng chim trời trú ngụ trong các ngôi thiền tự ngày càng thưa thớt.
Ngay chính chùa Âng, ngôi chùa từng được người dân Trà Vinh tự hào vì “chim cò đàn đàn lớp lớp”, hiện đang rơi vào tình cảnh nhức nhối: chim không những không về mà còn liên tục bỏ chùa ra đi. Sư cả Thạch Sok Xane, trụ trì chùa, thở than: “Đàn chim cò nay chỉ bằng một phần mười lúc trước. Chúng mỗi ngày một hiếm”. Hiếm vì những cái bẫy dày đặc như ma trận được người ta giăng tứ bề quanh khuôn viên chùa.
Cũng đầy nỗi niềm, lúc đưa khách đi thăm chùa, hòa thượng Thích Chí Nguyện tỏ rõ sự ưu tư: “Không chỉ vác súng vào chùa săn bắn, người ta còn đặt đủ thứ bẫy bọng ở khu vực lân cận, chờ chim, dơi bay đi bay về nhắm đúng hướng buông dây… Họ bắt đêm, bắt ngày, con lớn không bỏ, con nhỏ không tha. Cứ với đà này, e rằng vài năm nữa, chùa vắng bóng chim quá!”.
Tại “chùa cò”, sư cả Nhíp Thương bức xúc: “Điểm nổi bật của chùa là có đàn bồ câu tự do sinh sống. Nhưng số này bây giờ thưa thớt lắm rồi. Đặc biệt là loài cò quắm, giống cò quí có trọng lượng lớn (có con nặng đến ba cân) trước đây vốn dày đặc ở chùa nhưng giờ thì lâu lâu mới thấy một vài con xác xơ đậu trên những vườn tre”.
Ngoài tình trạng bị săn bắt bừa bãi như đã nói trên, một trong những nguyên nhân không kém phần quan trọng là tình trạng vô ý thức của không ít du khách. Không những chạy xe máy vào khuôn viên chùa làm kinh động chim cò, lắm người chọc phá chim bằng việc lấy đá ném, giả tiếng kêu của đại bàng để hù se sẻ. “Chính những hành vi này đã khiến nhiều loài chim không dám trở về chùa và dần kéo bầy đàn đi tìm nơi khác yên tĩnh hơn”- hòa thượng Thích Chí Nguyện bộc bạch.
Lẽ nào bất lực?
Bức xúc trước tình trạng chim trong vườn chùa ngày một vắng bóng do bị người ta săn bắt, chọc phá, nhiều ngôi chùa ở Trà Vinh đã dựng những tấm bảng kêu gọi “Xin đừng chọc phá, săn bắt chim” và thậm chí “Nghiêm cấm mọi hành vi săn bắn chim cò” nhưng chẳng mấy ăn thua. Ngày cũng như đêm, súng vẫn nổ, bẫy vẫn được giăng và chim cò vẫn cứ liên tục vào rọ rồi trở thành đặc sản của người thành phố.
Theo các nhà sư ở những ngôi cổ tự, nạn chim cò bị người ta đổ xô gài bẫy, săn bắn chim do lợi nhuận từ việc mua bán chim mang lại. Tại nông thôn Trà Vinh, nhất là tại những khu vực gần các ngôi chùa cổ luôn có đội ngũ lái chim sẵn sàng gom chim từ phường săn, mục đồng bất kỳ thời điểm. Khi đủ số lượng, đám lái sẽ vận chuyển chim cò ra chợ đầu mối Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang). Từ đây, chim sẽ được xé lẻ cung cấp cho toàn thị trường miền Tây và đặc biệt là theo những chuyến xe tốc hành đổ về TP Hồ Chí Minh.
Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt nạn săn bắt chim trời và đàn chim ở các ngôi chùa bừa bãi như hiện nay, ngành chức năng ở Trà Vinh, cụ thể là chính quyền sở tại cần giám sát và phải mạnh tay trong việc trục xuất xử lý các phường săn chuyên nghiệp. Song song đó, cần vận động người dân giao nộp các loại súng săn và phải có chế tài đối với những trường hợp sử dụng súng săn, săn bắn chim trời trái phép. Đối với du khách đến viếng chùa, cần hạn chế việc chạy xe vào trong khuôn viên chùa (nghĩa là nên giới hạn phạm vi, phải tắt máy trước khi vào chùa) để tránh làm kinh động chim… Nếu làm quyết liệt các biện pháp này, tin rằng tình trạng chim rời chùa sẽ được cải thiện.