Theo đánh giá của Tổng cục du lịch Việt Nam, cùng với số lượng du khách đang tăng nhanh, môi trường du lịch ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây đang ô nhiễm ở mức báo động. Đặc biệt tại các khu du lịch bãi biển như: bãi biển Long Hải (Vũng Tàu), xóm Cồn (Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà), bãi biển Đồ Sơn (Hải Phòng)….
Tình trạng dễ nhận thấy nhất là thói quen vứt, xả rác bừa bãi tại các bãi biển, các điểm tham quan khiến điểm du lịch nào thu hút đông khách thì nơi đó ô nhiễm môi trường tăng nhanh.
Theo đánh giá của Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản: Các chất thải chưa qua xử lý ra lưu vực sông và biển nước ta ngày càng nhiều, kéo theo việc gây ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của du lịch, nhất là mảng du lịch biển đang chiếm tới 80% lượt khách đến Việt Nam hiện nay.
Uớc tính, đến năm 2020, lượng chất thải tăng nhanh ở vùng ven bờ với nitơ tổng số từ 26 tấn đến 52 tấn/ngày, tổng lượng amonia từ 15 tấn đến 30 tấn/ngày… Vài năm gần đây, tại vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt là Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận xuất hiện hiện tượng “mùa bột báng” (tình trạng ven bờ nhầy nhụa bột báng màu xám đen dày cả gang tay, trộn với xác chết của sinh vật gây ô nhiễm nghiêm trọng, nước biển đặc quánh như cháo).
Trong đề án phát triển du lịch đến năm 2010, Tổng cục du lịch đã đặt mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển du lịch bền vững. Đã có một số địa phương như Đà Nẵng, Đà Lạt, Bình Thuận… phát động những đợt ra quân làm sạch môi trường du lịch.
Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững, việc bảo vệ môi trường du lịch không chỉ đơn thuần của chính quyền địa phương, công ty du lịch mà cả ý thức của du khách lẫn người dân sở tại.