Mở đường vào rừng cấm

Đường Lỗ Làn – Núi Điều (xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) được mở thẳng vào khu rừng đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Người dân bản địa nói: đường mở ra để phục vụ lâm tặc phá rừng!

Chủ trương của tỉnh Hòa Bình là xây dựng tuyến đường này phục vụ cho việc di dân vùng lòng hồ. Nhưng đến nay hai bên đường người dân mới đến ở thưa thớt, thảng hoặc mới bắt gặp vài người leo ngược con đường rải đá dăm lởm chởm này.


Đường phục vụ… lâm tặc?


Từ thị trấn Đà Bắc, con đường vào đến trung tâm văn hoá xã Hiền Lương men theo vách núi với nhiều khúc cua hiểm trở. Hết đoạn đường nhựa, xe chúng tôi theo tuyến đường lổn ngổn đá tìm vào đường Lỗ Làn – Núi Điều theo chỉ dẫn của người bản địa.


Chạy theo dốc núi, đường Lỗ Làn – Núi Điều mở ra trước mắt như một sự thử thách lòng can đảm của khách bộ hành. Sau những cơn mưa rừng, từng hòn đá dăm lởm chởm bật ngược khỏi mặt đường đâm thẳng vào bánh lái. Chỉ mới khoảng 50m đường đầu tiên, chúng tôi đã chứng kiến hai vụ tại nạn. Không đủ thời gian quan sát, chủ phương tiện nếu muốn an toàn qua đây phải cứng tay lái, căng mắt hết mức để tránh bị trượt bánh.


Đến khúc cua đầu tiên, cả một đoạn đường dài hơn 30m chỉ còn trơ lại lớp taluy bằng xi măng bám vào vách núi, những thứ trước đây là lòng đường giờ đã trôi hết xuống vực thẳm trước mặt. Hai cán bộ (chắc của ngành giao thông Hoà Bình) đi biển xe số xanh lê chân khó nhọc dò dẫm từng bước đi. Tôi đoán chừng hai người này đang cố phác thảo một kế hoạch hoàn chỉnh để gia cố cả đoạn đường hư hỏng nặng này. 


Vượt qua cửa ải đầu tiên, bắt đầu đoạn rẽ trước mặt. Hoàng Nông, một người dân dựng lều làm điểm sửa xe và thu tiền lệ phí qua đoạn đường này, cho biết lên khu du lịch Núi Điều có hai con đường, nhưng dễ đi nhất là con đường ngay trước mặt.
Chúng tôi đi dọc tuyến đường mà theo quan điểm của tỉnh Hoà Bình là phục vụ nhân dân vùng lòng hồ. Suốt tuyến đường đi có rất ít nhà cửa của người dân sinh sống, thảng hoặc mới bắt gặp vài người đi bẻ bắp. Con đường dài vắng lặng, nhuốm vẻ âm u của rừng đại ngàn.


Một con đường như thế, dân nói chủ yếu để phục vụ lâm tặc, là có cơ sở.


Không có đường thì rừng cũng “chảy máu”!


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Hữu Duyệt thừa nhận, một vài điều mà chúng tôi phản ánh là có cơ sở nhưng đó là tình trạng chung của nhiều nơi chứ không riêng Hoà Bình hay con đường Lỗ Làn – Núi Điều.


Theo ông Duyệt, dự án đường Lỗ Làn với mục đích ban đầu là xây dựng khu tái định cư cho bà con vùng lòng hồ Hoà Bình, có thể sau này hướng tới làm du lịch, với tổng mức đầu là 5 tỉ đồng, sau đó điều chỉnh lên 7-8 tỉ đồng. Nguồn vốn thuộc dự án 472.


Ông Duyệt thẳng thắn, dự án hiện nay chưa hiệu quả, công trình cũng đang làm dở dang và chưa xong. “Việc mở đường vào đấy để quy hoạch khu tái định cư là cần thiết, sau đó có thể mời một số công ty du lịch vào trồng hoa vì trong đấy khí hậu rất tốt”, ông Duyệt nói.


Ông Duyệt giải thích thêm: Đến bây giờ dự án chưa phát huy hiệu quả vì đang trong quá trình thực hiện. “Về định hướng lâu dài thì phát triển cả du lịch, làm cái gì thì cũng phải đi trước một bước. Bây giờ chưa hiệu quả, nhưng dần dần tỉnh sẽ bố trí dân cư vào giai đoạn sau”.


Về dư luận đường Lỗ Làn – Núi Điều thực chất là phục vụ cho lâm tặc; chưa có đường thì rừng còn nguyên vẹn, có đường rồi thì rừng “chảy máu”, ông Duyệt phản đối: “Sai sót nhiều khi bắt nguồn tức công tác quản lý. Tôi nói thật là còn rừng thì vấn đề này (khai thác lâm sản trái phép – PV) còn xảy ra”.


“Quá trình làm đường này thì đã có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đường đi qua rừng thì phải có phép. Rừng bảo tồn thì đúng ra phải bảo tồn nghiêm ngặt, tuy nhiên chúng ta cũng phải gắn việc bảo tồn với phát triển du lịch”, ông Duyệt cho biết thêm.