Để vượt qua nhận xét là nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hình thành các vùng chuyên canh lớn thì thực hiện cơ giới hoá cũng rất cấp thiết. Tuy nhiên, do còn nhiều cản trở nên cuộc "cách mạng" trên dù đã triển khai từ nhiều năm mà vẫn trong giai đoạn… khởi động!
Năm 2007, chưa bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lại rơi vào tình trạng “khát” nhân công thu hoạch lúa như vậy, giá thuê tăng vọt, lên 1 triệu đồng/ha, thậm chí, những ruộng lúa đổ ngã thì giá ở mức 1,7 – 2 triệu đồng/ha. Ai cũng biết, để giải quyết tình trạng này, phải đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp. Tuy nhiên, do thiếu máy móc trầm trọng và việc hỗ trợ bà con mua máy ì ạch, thiếu đồng bộ… khiến bài toán trở nên khó giải.
Mỏi mắt tìm máy…
Hiện giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 20,9% GDP cả nước, tăng 2,77% so với năm 2006. Mức tăng này được đánh giá là chậm so với các nước trong khu vực. Theo các nhà chuyên môn thì nguyên nhân chính là do cơ giới hóa thấp.
ĐBSCL, vựa lúa, vựa trái cây, vựa thuỷ sản lớn nhất nước, trên 60% số lô, thửa ruộng có diện tích 0,1 – 0,5ha nhưng tỷ lệ cơ giới hoá trong khâu làm đất trồng lúa mới đạt 69%, cây trồng khác 49%; chỉ chủ động tưới tiêu được 60%; còn thu hoạch lúa, khâu quan trọng nhất chỉ đạt 8,2%. Đối với các tỉnh miền Bắc, miền Trung, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều.
Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông – lâm sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Có một thực tế không thể phủ nhận là mức độ cơ giới hóa nông nghiệp của nước ta rất thấp, trang bị động lực bình quân mới đạt 0,57 mã lực/ha đất canh tác, trong đó máy tự chế không qua đăng kiểm chiếm tới 10%”.
Theo số liệu thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL năm 2007 ước đạt 3.746.318ha, sản lượng 18.435.596 tấn nhưng đến tháng 03/2007 mới có khoảng 3.000 máy gặt lúa các loại (trong đó, máy gặt lúa rải hàng chế tạo trong nước 2.400 chiếc, máy gặt đập liên hợp 600 chiếc), tăng 3% so với tháng 12/2006; khâu sấy lúa cũng mới đáp ứng được khoảng 20 – 25% sản lượng. Vì sợ thiếu máy móc, nhân công nên nhiều vùng vừa thu hoạch xong vụ trước bà con đã chuẩn bị xuống giống vụ sau khiến đất không có thời gian nghỉ, dẫn đến những hệ luỵ như giá thành sản xuất tăng, sâu bệnh phát sinh ngày càng nhiều, đất đai bạc màu…
Ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Chuyện thiếu nhân công cắt lúa xảy ra đã nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có cách nào khắc phục, thậm chí tình hình còn ngày càng căng thẳng, nhất là trong vụ hè thu…”.
Ông Tư Thanh ở xã Hưng Điền B (Tân Hưng – Long An) bức xúc: “Nhà tui có 5ha ruộng, vụ nào cũng vậy, cứ xuống giống được 1 tháng là tôi đã phải lo “đặt hàng” công cắt lúa, vậy mà đến ngày thu hoạch, trả tới 200.000 – 220.000 đồng/công (1công = 1.000m2) vẫn không thấy ai!”.
Theo ông Quốc, để nâng tỷ lệ cơ giới hoá khâu thu hoạch lúa lên khoảng 30% diện tích, ĐBSCL cần 10.000 máy gặt. Trong khâu phơi sấy, bà con vẫn chủ yếu sử dụng máy chế tạo trong nước, công suất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu khi vào chính vụ.
Cả nước hiện có khoảng 1.300 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh các loại máy kéo, máy nông nghiệp và thiết bị cơ khí phục vụ nông nghiệp; 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng bảo hành máy móc, thiết bị cơ khí, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu; trong khi đó, lượng máy nhập khẩu thấp. Do thiếu máy móc hỗ trợ nên sự thiệt hại do thất thoát trong và theo thu hoạch nông sản lên đến hàng trăm tỷ đồng/năm.
Khó tiếp cận vốn vay ưu đãi
Để đẩy nhanh tốc độ cơ giới hoá trong nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020”. Theo đó, thiết bị, máy móc phục vụ nông nghiệp thuộc chương trình cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng được 45 – 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước. Ngoài ra, Chính phủ còn cho phép các tỉnh, thành phố hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp bằng ngân sách của địa phương.
Trình diễn máy gặt đập liên hợp của Doanh nghiệp tư nhân Nhựa Hoàng Thắng ( Ảnh Khắc Dzũng). |
Tuy nhiên, đến nay mới có một số tỉnh ĐBSCL triển khai tốt hình thức cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất vốn vay như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang…, còn đa phần các địa phương vẫn dừng lại ở… hô hào.
Từ năm 2005, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã phối hợp với Hội Nông dân 36 tỉnh, thành phố triển khai chương trình hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy nông nghiệp trả chậm.
Tuy nhiên, mới có 20 tỉnh thực hiện với tổng số 19.450 máy kéo và 25.000 thiết bị nông nghiệp các loại. Mức vốn được vay cao nhất là 70% giá trị thiết bị cần mua, mức vay không phải thế chấp tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ, số còn lại, nông dân phải tự bỏ vốn đầu tư. Mức lãi suất tiền vay là 2%/năm, trả trong thời hạn 3 năm và được UBND tỉnh hỗ trợ.
Nghe thì có vẻ hấp dẫn nhưng nhiều nông dân vẫn than phiền là khó tiếp cận với nguồn vốn này. Ông Nguyễn Bá Phí, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho biết, toàn tỉnh chỉ có hơn 300 máy cày và một số máy nông nghiệp, nhu cầu mua máy cày tay loại nhỏ của bà con là rất lớn, nhưng dù được hỗ trợ vốn, nhiều người vẫn không có khả năng mua, do vậy chương trình mua máy trả chậm phải tạm dừng.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long đã kết hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Vĩnh Long triển khai phương án cho vay ưu đãi mua máy nông nghiệp, phấn đấu đến năm 2010, toàn bộ diện tích đất trồng lúa trong tỉnh được cày ải bằng máy vào mùa khô; 80% diện tích vụ đông xuân và 60% vụ hè thu được thu hoạch bằng máy. Mức cho vay tối đa là 70% giá trị máy… Khi mới ra đời, chương trình được nhiều người kỳ vọng và đón nhận, nhưng cũng chỉ xôm tụ được thời gian đầu.
Còn tại Bình Thuận, tháng 6/2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định 45 về việc hỗ trợ nông dân mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tốc độ cơ giới hoá với tổng số vốn trên 10 tỷ đồng, cung cấp cho 691 hộ. Tuy nhiên, đến nay chương trình mới thực hiện được gần 63% kế hoạch, vẫn còn nhiều hộ thực sự có nhu cầu mua máy chưa được giải quyết hỗ trợ kịp thời.
Ông Phạm Văn Hải ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong – Bình Thuận) cho hay: “Tôi nộp đơn đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa vay được đồng nào, do ngân hàng tiến hành các thủ tục thẩm định quá khó khăn, phức tạp. Đến khi xét duyệt thì mùa vụ đã xong xuôi. Hiện, chúng tôi chỉ có thể mua một số máy móc loại nhỏ, đơn giản như máy bơm, máy phát điện, máy cày, bừa, tách hạt…, còn máy móc phục vụ cho sau thu hoạch, bảo quản thì đắt lắm”. Chính vì vậy, mặc dù Bình Thuận là một trong những địa phương có phong trào phát triển sản xuất hàng hoá mạnh nhưng công cụ sản xuất thủ công vẫn rất “thịnh hành”.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra mục tiêu đến năm 2015 cơ giới hoá 100% việc chế biến các loại hạt giống, nâng tỷ lệ cơ giới hoá làm đất trung bình cả nước lên 70 – 75%; phổ biến rộng rãi thiết bị sạ lúa theo hàng ở các tỉnh ĐBSCL, từng bước áp dụng máy cấy mạ thảm, máy bơm thuốc trừ sâu, máy gặt lúa rải hàng, các loại máy gặt đập liên hợp… Thế nhưng, thực trạng máy móc không đáp ứng nhu cầu, nguồn vốn vay ưu đãi triển khai chậm, nông dân khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn chính là những rào cản khiến mục tiêu trên vẫn chỉ là mơ ước.
Đến bao giờ nông dân Việt Nam mới rũ bỏ được hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”…(?) là câu hỏi đã được một vị đại biểu Quốc hội hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT tại kỳ họp thứ hai vừa qua.