ThienNhien.Net – Hội nghị lần thứ 13 về Công ước biến đổi khí hậu (UNFCCC) tại Bali đã kết thúc sau hơn 10 ngày đàm phán và thảo luận. Người ta đã háo hức, mong chờ kết quả hội nghị sẽ đem đến một tương lai tươi sáng hơn cho cuộc sống của 6,6 tỉ người trên khắp hành tinh nhưng rồi người ta lại thất vọng.
Hơn 11.000 người của 189 quốc gia đã không tìm được tiếng nói chung cho nhiều vấn đề quan trọng. Không nước nào muốn đi tiên phong trong việc thực hiện UNFCCC – đồng nghĩa với việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính – vì nó mâu thuẩn với những lợi ích về kinh tế của họ. Trong khi kinh tế lại gần như là biểu trưng cho vị thế của mỗi nước và nước này thì luôn muốn hơn nước kia. Vì vậy việc tìm sự đồng thuận chung là quá khó khăn, gần như không thể được nếu không có sự thay đổi tư duy về vấn đề kinh tế và phát triển.
Thứ nhất, các nhà làm chính sách dường như vẫn chưa thấy hết được những hậu quả nặng nề của sự biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKHTC). Những xáo trộn do BĐKH gây ra trong thời gian qua vẫn chưa đủ gây ấn tượng đối với họ. Dù các nhà khoa học đã đưa ra bao lời dự đoán, cảnh báo về một tương lai ảm đạm của thế giới thì dự đoán vẫn chỉ là dự đoán, cảnh báo vẫn chỉ là cảnh báo. Họ vẫn bất chấp trước những bằng chứng thực tế như sự biến mất của loài cóc vàng và loài ếch Monteverde harlequin, cái chết của 3.500 con dơi quạ ở Sydney (Australia), nhiều loài phải di chuyển cư trú về nơi có khí hậu mát mẻ hơn… Họ phớt lờ luôn thảm họa sinh thái toàn cầu có thể xảy ra trong vòng 10 năm tới và nguy cơ 30% số loài sẽ biến mất khi nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng 2,50C, mà gần như nó chắc chắn sẽ tăng. Họ vẫn say sưa chạy theo sự phát triển kinh tế. Mà kinh tế thường mâu thuẩn với môi trường, trước mắt Trung Quốc là một ví dụ điển hình nhất. Mặt khác, theo quy luật tất yếu của cuộc sống mà dù muốn dù không con người cũng phải theo, thì cái gì phát triển quá mức ắt sẽ phản ngược trở lại (vật cực tắc phản – Kinh Dịch), sự phát triển kinh tế giúp con người sống đầy đủ hơn nhưng nếu thái quá sẽ khiến môi trường sống của con người suy tàn.
Thứ hai, sự vận động của mỗi nước bị xoáy theo chiều hướng biến đổi chung của thế giới, thế giới chạy đua kinh tế thì nước đó cũng chạy đua kinh tế. Dường như kinh tế được cho là thước đo của phát triển và văn minh. Đó có lẽ là nhìn nhận sai lầm, vì mỗi hành vi của con người đều nhằm hướng đến sự hài lòng hơn, hạnh phúc hơn nên sự phát triển và văn minh cũng phải căn cứ vào đó. Ngày xưa, cuộc sống con người chắc chắn khó khăn, thiếu thốn hơn ngày nay rất nhiều nhưng chưa chắc họ kém hạnh phúc hơn, cũng có nghĩa là thế giới ngày xưa chưa hẳn đã kém văn minh hơn thế giới ngày nay.
Thứ ba, giải quyết vấn đề BĐKHTC không phải chỉ trông chờ vào những quyết định lớn lao của các nhà làm chính sách, mà sự đóng góp của mỗi cá nhân cũng không kém phần quan trọng. Một vấn đề toàn cầu cần có sự tham gia của toàn cầu. Nhưng thực tế, cách sống của chúng ta hiện nay đang làm cho sự BĐKHTC trở nên nghiêm trọng hơn. Cái chính là do các nhu cầu của chúng ta ngày càng đa dạng hơn, luôn đòi hỏi phải được đáp ứng nhiều hơn. Ăn đã đủ no, chúng ta lại muốn ăn ngon; mặc đã đủ ấm, chúng ta lại muốn mặc đẹp… Cứ thế nhu cầu tiêu thụ luôn tăng nên sản xuất cũng phải gia tăng để đáp ứng. Hậu quả là các khí gây hiệu ứng nhà kính cũng gia tăng. Chẳng hạn, thay vì chỉ cần bộ bàn ghế đơn giản trong nhà, ngày nay người ta lại có xu hướng thích những bộ bàn ghế bằng gỗ to đùng để cho sang trọng. Thế là một mảng xanh bị biến mất, và một lượng khí nhà kính gia tăng do các quá trình vận chuyển, cưa xẻ gỗ làm bàn ghế… Vì vậy, chính các nhu cầu của con người mới là nguyên nhân chính gây BĐKHTC, nên nó hoàn toàn có thể được giải quyết nếu mỗi cá nhân đều biết tiết giảm các nhu cầu không cần thiết và có những hành động thiết thực đối với môi trường.
Và thiết nghĩ, vì cuộc sống của chính họ và vì những thệ hệ tương lai, họ có trách nhiệm làm điều đó.