ThienNhien.Net – Chỉ còn 2 ngày nữa (ngày 19/12), dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) đầu tiên của Việt Nam sẽ nhận được gần 4,5 triệu USD, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường – Nguyễn Khắc Hiếu, cho biết. Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục các nỗ lực để nhận được nhiều hỗ trợ tài chính thực hiện các dự án CDM khác.
CDM và những tiềm năng cho Việt Nam (Kì I)
CDM và những tiềm năng cho Việt Nam (Kì II)
Việt Nam ủng hộ các dự án CDM
Dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành tại mỏ Rạng Đông nằm trên tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Sau 10 năm thực hiện, dự kiến thu về 6.740.000 tấn CO2 – khí làm trái đất ấm lên, ông Hiếu cho biết.
Dự án Rạng Đông chỉ là một trong 97 dự án CDM đã và đang được thẩm định phê duyệt và thực hiện tại nước ta. Các dự án này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, xóa đói giảm nghèo cũng như bảo vệ môi trường.
Ông Hiếu nhận định các dự án CDM sẽ mang về nhiều lợi ích cho Việt Nam. Trước hết, công nghệ mới giảm khí thải vào Việt Nam thông qua dự án, góp phần đổi mới công nghệ trong nước. Thứ hai, có thêm nhiều việc làm mới xuất hiện. Thứ ba, khi dự án kết thúc, Việt Nam sẽ nhận được chứng chỉ giảm khí thải (CER) và có thể bán chứng chỉ này cho các nước phát triển – nơi thải ra lượng khí thải lớn.
Theo bài trình bày “Triển vọng CDM tại Việt Nam” của ông Hiếu tại Hội nghị về Công ước biến đổi khí hậu (UNFCCC) ngày 6/12 tại Bali, dự kiến Việt Nam sẽ thu về khoảng 250 triệu USD trong 4 năm tới (2008 – 2012).
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật khuyến khích phát triển CDM như chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 17/10/2005 của Thủ tướng chính phủ đề cập đến việc thực hiện CDM và mới đây nhất là quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007 về các cơ chế và chính sách đối với dự án CDM. Trong đó, có nhiều ưu đãi cho các dự án CDM như miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Theo quyết định số 130/2007/QĐ-TTg ngày 2/8/2007, dự án CDM là dự án đầu tư sản xuất theo công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường, có kết quả giảm phát thải khí nhà kính được quốc tế công nhận và cấp chứng chỉ. |
Trong buổi họp báo về “Báo cáo phát triển con người” tại Hà Nội ngày 18/11, các chuyên gia UNDP đã nhận định Việt Nam có tiềm năng phát triển CDM. Nhận định này một lần nữa đã được ông Hiếu khẳng định tại cuộc trao đổi bên lề Hội nghị UNFCCC ngày 12/12 vừa qua.
Đa số các dự án CDM hiện tại và sắp triển khai thuộc lĩnh vực ứng dụng năng lượng tái tạo, chuyển đổi sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thu hồi và sử dụng khí mêtan (CH4) từ bãi rác và mỏ than.
Thế giới vẫn băn khoăn về triển vọng phát triển CDM
Trong cuộc trò chuyện với báo chí ngày 13/12 tại Bali, tổng thư ký của UNFCCC Yvo de Boer khẳng định: CDM là một trong bốn nội dung thảo luận chính của Hội nghị lần này (COP 13). Liên Hợp quốc ủng hộ phát triển CDM và coi đây như một biện pháp hiệu quả giảm khí thải nhà kính.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại khi nhiều dự án CDM trên thế giới không mang lại lợi ích như mong đợi. Trong cuộc thảo luận phi chính thức tại Bali ngày 11/12, một chuyên gia đến từ tập đoàn Allianz, Armin Sandhoevel cho biết: Khoảng 60% các dự án CDM hiện nay đầu tư vào năng lượng tái tạo. Song chỉ có 15% được cấp chứng chỉ giảm khí thải trong lĩnh vực đó. Sandhoevel coi đó là nguyên nhân tại sao các cơ chế của Nghị định thư Kyoto không giữ vai trò chủ chốt đối với nguồn đầu tư năng lượng tái tạo.
Một bản tin của nhóm tổ chức phi chính phủ phát hành tại COP 13 – tờ Alter-Eco chơi chữ khi chú thích CDM (Clean Development Mechanism – Cơ chế phát triển sạch) thành CDM (Criminal Development Mechanism – Cơ chế phát triển tội phạm). Theo Alter-Eco, trong số 650 dự án CDM về thủy điện, có một số dự án không mang lợi ích xã hội và sinh thái như hứa hẹn.
Ngày 12/12, các đại biểu của COP 13 đồng ý ra quyết định dự thảo COP/MOP về việc hướng dẫn thực hiện CDM. Văn bản này đề nghị Ủy ban điều hành CDM tăng cường điều hành và giám sát, đơn giản hóa các khía cạnh hoạt động của CDM… Đồng thời, bãi bỏ phí đăng kí và thuế CDM cho những dự án ở các nước kém phát triển nhất. |
Alter-Eco dẫn chứng một dự án bên sông Bhilangaga tại Ấn Độ. Theo điều tra của dự án, không có làng nào gần khu vực thực hiện dự án và các làng khác không cần nước sông do nông nghiệp ở đây phụ thuộc vào mưa.
Song thực tế không như vậy. Làng Sarona nằm cách đập thủy điện 10 phút đi bộ. Đồng ruộng ở đây lấy nước từ sông qua những ống nước nhỏ đặt trên mặt đất. Năm 2003, khi máy móc xuất hiện để khởi công dự án, người dân mới biết về dự án và dân làng tổ chức nhiều hoạt động biểu tình chống lại dự án. Đến tháng 3/2007, hơn 200 người dân Sarona từng bị tống giam và ngôi làng chịu sự đàn áp của cảnh sát hai lần.
Alter-Eco kết luận: Dân làng tiếp tục bị làm phiền, hệ thống tưới tiêu truyền thống hư hỏng, đập vẫn được xây và chủ dự án vẫn có lợi nhuận nhờ bán chứng chỉ CER đến hết năm 2017.
Các nhà khoa học tại Bali kêu gọi chính phủ các nước cần có các chính sách đảm bảo thực hiện CDM minh bạch và ổn định. Trong bài trình bày về CDM bên lề COP 13, Axel Michaelowa – Perpectives, cho rằng Nghị định thư Kyoto, quyết định của các COP và Ủy ban điều hành CDM cần góp phần tạo nên qui tắc cho CDM. Một cuốn hướng dẫn về CDM có thể tăng cường tính minh bạch và ổn định.
Steve Abrams, EcoSecurities, nhấn mạnh phải coi trọng việc giám sát quá trình triển khai dự án và giám sát có thể phát hiện nhiều “cạm bẫy”.
Trong khi đó, Agus Sari – tư vấn của Chủ tịch COP 13, đề xuất những công nghệ mới như truyền hình web có thể tăng cường sự minh bạch. Đồng thời, xem xét kỹ lưỡng việc giảm khí thải có chứng nhận có thể là tiêu chuẩn chọn ra các dự án tốt./.