Hiện tượng những đám mây ngày càng dày đặc trong bầu khí quyển là bằng chứng rõ nhất cho thấy những ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo các nhà nghiên cứu, tần suất xuất hiện những đám mây địa cực ngày càng dày đặc hơn và chúng thường xuất hiện ở các vĩ độ thấp hơn so với trước đây. Lý giải hiện tượng này, các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng khí thải carbon dioxide – CO2 gây hiệu ứng nhà kính và khí mê-tan (methane) ở tầng khí quyển cao là thủ phạm gây ra những biến đổi ở các đám mây.
Trên tầng khí quyển cao, lượng khí CO2 tăng thêm được làm lạnh dễ dàng tạo ra các tinh thể băng, trong khi đó, khí mê-tan lại phản ứng với khí ô-xi (oxygen) tạo ra hơi nước lơ lửng trong không khí.
Các đám mây (gồm thành phần là tinh thể băng bao quanh các phân tử bụi ở độ cao hơn 80km trên bề mặt Trái Đất) được hình thành trong điều kiện không khí khô hơn gấp 100.000 lần so với không khí ở sa mạc Sahara và chịu áp suất thấp hơn 100.000 lần so với áp suất trên bề mặt hành tinh.
Các nhà khoa học cho rằng toàn bộ quá trình này đồng nghĩa với việc để hình thành nên các đám mây, nhiệt độ phải giảm xuống mức cực thấp (ít nhất là -134 độ C). Lượng khí CO2 tăng thêm làm cho nhiệt độ giảm, trong khi lượng khí mê-tan tăng thêm có thể tạo ra lượng hơi nước nhiều hơn và hệ quả là ngày càng có nhiều đám mây được hình thành.
Giới khoa học Mỹ khẳng định các đám mây địa cực không phải là nhân tố gây nên tình trạng biến đổi khí hậu, song là những chỉ báo cho thấy con người đang tác động tới những phần xa nhất của bầu khí quyển Trái Đất, khiến bầu khí quyển xa Trái đất phải thay đổi, đồng nghĩa với việc chúng ta đang làm thay đổi toàn bộ bầu khí quyển.
Đây là kết luận của giới khoa học Mỹ vừa được công bố tại hội thảo của Hiệp hội Địa-vật lý Mỹ diễn ra ở San Fransisco, Mỹ.