Hơn 3.500 con dơi quạ “bỏ mạng” ở Australia, loài mực khổng lồ thường xuyên “phơi thây” trên bãi biển trong khi trên dãy núi Alps (châu Âu) không còn cảnh những đàn bướm lượn lờ khoe sắc… Thảm cảnh này cho thấy tình trạng Trái đất ấm dần lên đang bắt đầu hủy diệt thiên nhiên. Hầu hết các loài động, thực vật đều bị ảnh hưởng, và quá trình biến đổi khí hậu diễn ra chóng vánh đến mức muôn loài không kịp thích ứng để sinh tồn.
Theo một báo cáo của các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc vào tháng trước, khoảng 30% số loài trên thế giới có thể bị diệt vong nếu nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng thêm 2,5oC và con số này sẽ tăng lên 70% nếu nhiệt độ tăng thêm 3,5oC.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu bởi trong 520 triệu năm qua, thiên nhiên trên Trái đất từng trải qua 5 thời kỳ “đại tuyệt chủng”, và 4 trong số đó có liên quan đến độ ấm gia tăng ở các vùng biển nhiệt đới.
Bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là động thực vật ở những vùng khí hậu hàn đới, cao nguyên và những loài ít có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ – theo chuyên gia Wendy Foden thuộc Hiệp hội Bảo tồn thế giới. Điển hình là nhiều loài bướm sống trên các cao nguyên ở Bắc Mỹ và miền Nam nước Pháp đã “biệt tăm biệt tích” trong khi gấu Bắc cực và chim cánh cụt hàng ngày đang chứng kiến mái nhà chung của mình tan dần thành nước.
Khí carbon dioxide (CO2) – “thủ phạm” chính gây ra hiện tượng ấm nóng toàn cầu – cũng đồng thời làm gia tăng độ axít trong nước biển, khiến san hô và phiêu sinh vật, thức ăn chính của cá voi và nhiều sinh vật biển có vú khác, chết hàng loạt. Tình trạng nấm độc sinh sôi dưới tác động của khí hậu ấm nóng đã “xóa sổ” một số loài ếch ở Nam Mỹ, châu Phi và châu Âu.
“Về lâu dài, mọi sinh vật đều bị tác động”, chuyên gia Foden cảnh báo. Chỉ có một số ít được hưởng lợi từ quá trình biến đổi khí hậu, chủ yếu là những loài sinh sản nhanh, đã từng sống trong nhiều điều kiện khí hậu khác nhau hoặc có khả năng thích nghi với môi trường sống thay đổi. Chẳng hạn như gián, chim bồ câu và cỏ dại.
Tại Australia, năm 2002 vào thời điểm nhiệt độ tăng trên 41oC ở bang New South Wales, người ta chứng kiến cảnh dơi quạ “rơi rụng” hàng loạt với số lượng hơn 3.500 con – chiếm khoảng 10% số cá thể của loài ở nước này.
Khi nhiệt độ tăng cao, động vật thường tìm tới những nơi có khí hậu mát mẻ. Qua khảo sát hơn 1.500 loài động vật, nhà sinh vật học Camille Parmesan ở ĐH Texas (Mỹ) kết luận 40% trong số này đã tản đi nhiều nơi, phần lớn hướng đến hai địa cực.
Một nghiên cứu khác cho thấy hơn một chục loài chim đã di cư khoảng 20 km lên phía Bắc nước Anh, 39 loài bướm cũng bay đến khu vực phía Bắc ở châu Âu và Bắc Mỹ cách xa mái nhà cũ hơn 200 km.
Trong khi đó, hàng triệu con sứa biển Địa Trung Hải đã “tái định cư” ngoài khơi bờ biển Bắc Ireland và Scotland trong khi loài mực Humboldt khổng lồ – có thể tăng trưởng tới 2,1 m – đã phơi mình trên bờ biển California mỗi khi nước biển ấm lên.
Trong điều kiện thời tiết ấm nóng hơn, 60% số loài động thực vật sẽ di cư, sinh sản và trổ hoa sớm hơn vào mùa Xuân. Tình trạng này, theo nhà nghiên cứu Parmesan, có thể làm “đổ vỡ” quan hệ phụ thuộc giữa chim chóc và côn trùng (thức ăn chính của loài chim), cũng như giữa côn trùng và các loài hoa mà chúng thụ phấn. Đây là một trong những nguyên nhân làm thu hẹp số cá thể ở động và thực vật.
Trước tình trạng nhiều loài không phát triển kịp để thích nghi với môi trường sống biến đổi, các chuyên gia bảo tồn đề xuất việc thành lập các hành lang tự nhiên để thu hút muông thú kéo đến, đồng thời “tái định cư” chúng ở những khu vực có khí hậu ôn hòa hơn.