Tại Hội nghị về thay đổi khí hậu đang diễn ra tại Bali (Indonesia), thông báo của một nhóm các nhà khoa học về khả năng hút CO2 ở mức cao của tảo và rong biển có thể là "vũ khí" hữu hiệu chống toàn cầu ấm lên thật đáng quan tâm. Nhà khoa học môi trường của Hàn Quốc Chung Ik Kyo cho rằng trong cuộc chiến chống toàn cầu ấm lên, vai trò của đại dương đã bị coi nhẹ do chúng ta không thể nhìn thấy thảm thực vật dưới biển.
Để loại bỏ CO2 ra khỏi không khí, theo nhóm các nhà khoa học đến từ 12 nước, thế giới nên quan tâm đến biển, nơi có gần 8 triệu tấn rong và tảo biển được trồng mỗi năm.
Một số loài rong biển có khả năng hấp thụ CO2 nhiều gấp 5 lần các cây trồng trên mặt đất. Một số loài sinh trưởng khá nhanh, có nhiều loại phát triển dài đến 3-4m chỉ trong vòng 3 tháng. Theo nghiên cứu của họ, dưới đáy biển có rất nhiều rong biển và cỏ biển có thể hấp thụ CO2, giúp kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ở nước ta, để trở thành một quốc gia mạnh về biển với tầm nhìn dài hạn, phải triển khai các hoạt động nghiên cứu về biển, cả chiến lược, chính sách lẫn khoa học – công nghệ, nhưng phải đi trước một bước để mở lối tư duy, định hình khuôn khổ chiến lược và cung cấp các tri thức thực hành. Nhận định này vừa được vang lên tại hội thảo “Tầm nhìn kinh tế biển và phát triển thủy sản Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội ngày 11/12.
Một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam là hội nhập quốc tế. Các ngành kinh tế biển, trong đó ngành công nghiệp quan trọng là đóng tàu phải được mở cửa, hội nhập sâu rộng để thu hút công nghệ hiện đại, vốn lớn và nhiều hợp đồng hơn cho sự phát triển của ngành và các dịch vụ hàng hải.
Để thu hút vốn lớn và quản lý phát triển kinh tế biển bền vững, với một tầm nhìn chiến lược, Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản TN&MT biển đã và đang tích cực đôn đốc triển khai các dự án liên quan đến TN&MT biển, như “Đầu tư đội tàu khảo sát biển và hệ thống thiết bị đồng bộ”.
Ngoài ra, cần phải tính cả đến việc chi trả dịch vụ môi trường biển – vấn đề mới không chỉ đối với nước ta, song sẽ tạo thêm kinh phí cho việc bảo tồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Sơn La phối hợp với Tổ chức Winrock International (Chương trình bảo tồn đa dạng sinh học vùng châu Á) triển khai xây dựng và thực hiện thí điểm chính sách thu phí dịch vụ môi trường rừng tại địa phương.
Một Vụ trưởng thuộc Văn phòng Chính phủ, thành viên Ban điều hành Trung ương về triển khai thí điểm phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, cho rằng để bảo vệ và phát triển rừng thì không thể không triển khai thu loại phí này.
Đối tượng phải chi trả phí dịch vụ môi trường rừng sẽ là tất cả các cá nhân, tổ chức, thành phần kinh tế… đang thụ hưởng các nguồn lợi từ môi trường rừng, nhưng trước mắt sẽ là các công ty thủy điện, cấp nước sinh hoạt, hộ và các tổ chức sử dụng nước cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh, các đơn vị quản lý thủy nông; đối tượng được thụ hưởng phí dịch vụ môi trường rừng là các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình… có tư cách pháp nhân đang được Nhà nước giao đất rừng, quản lý và bảo vệ phát triển rừng (chủ rừng).
Đây là kinh nghiệm để chúng ta giải quyết vấn đề dịch vụ môi trường biển thời gian tới.