Ô nhiễm môi trường vì… trạm xử lý nước thải

Được đầu tư trên 18,1 tỷ đồng, Trạm xử lý nước thải (XLNT) Khu công nghiệp Hòa Khánh, TP. Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng từ tháng 03/2006. Nhưng, từ khi có trạm này, mức độ ô nhiễm môi trường trong KCN và các khu dân cư lân cận đã không giảm mà còn tăng lên nặng nề hơn.

Sai phạm của chủ đầu tư

Kết quả kiểm tra hoạt động của Trạm XLNT KCN Hòa Khánh của các cơ quan chức năng TP. Đà Nẵng, cho thấy: Chỉ có 2/21 nhà máy xây dựng hệ thống XLNT hoàn chỉnh, các cơ sở còn lại không có hệ thống XLNT hoặc chỉ xử lý sơ bộ.

Tại Công ty cổ phần Dệt Đà Nẵng, chất COD vượt 3,03 lần, BOD vượt 6,59 lần, TSS vượt 0,5 lần. Tại Xí nghiệp Trường Thắng, COD vượt 4,075 lần, BOD vượt 10,64 lần, TSS vượt 1,865 lần… có nước thải chứa lượng kim loại nặng và hóa chất rất lớn nhưng không được xử lý hoặc chỉ xử lý sơ bộ. Các cơ sở cán thép, vật liệu xây dựng, chế biến cao su, sản phẩm nhựa ở đây cũng gây ô nhiễm do khí thải, bụi kim loại.

Trước thực trạng đó, TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy XLNT chung của KCN Hòa Khánh. Đến nay, trạm này đã thi công toàn bộ khối lượng được duyệt (giai đoạn 1). Qua phân tích chất lượng nước thải đầu vào và ra cho thấy, hiệu quả xử lý của trạm XLNT này rất cao: BOD đạt 87%, COD đạt 88%, TSS đạt 93%.

Thế nhưng, một điều hết sức nghịch lý là lượng nước thải đưa về trạm chỉ đạt 1/5 công suất thiết kế (khoảng 1.000m3/ngày), nên mới vận hành 1 trong 4 bể xử lý sinh học. Nguyên nhân của sự lãng phí này là do hệ thống thu gom nước thải từ các nhà máy về trạm chỉ được đầu tư trong phạm vi 92,5ha của khu thứ nhất (còn 150ha của khu thứ hai chưa thực hiện). Mặt khác, hệ thống thu gom chỉ bố trí trên một vỉa hè các đường nội bộ KCN …

Dẫn tới tình trạng này, theo Thanh tra TP. Đà Nẵng, là do trong quá trình thực hiện dự án đã có nhiều thiếu sót, sai phạm mà nhiều nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư là Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng KCN Đà Nẵng (Daizico).

Đơn vị này không lập hồ sơ trình cơ quan thẩm quyền thẩm định, phê duyệt việc thay đổi vị trí trạm XLNT; báo cáo đánh giá tác động môi trường (thay đổi quy trình xử lý nước thải); thiếu trách nhiệm trong nghiệm thu hồ sơ thiết kế nên không phát hiện được thiếu sót…

Người dân lãnh đủ!

Được biết, phần lớn lượng nước thải còn lại đang thải trực tiếp ra môi trường, gây hại cho các vùng dân cư quanh KCN, đặc biệt là khu vực tổ 61, phường Hòa Khánh Bắc. Khu vực này có gần 150 hộ dân với khoảng 600 nhân khẩu hiện đang phải… “ăn với ô nhiễm, uống ô nhiễm và ngủ với ô nhiễm”.

 tramXLNTonhiem
Trạm xử lý nước thải mới đưa vào vận hành đã ngưng hoạt động.

Ông Phạm Phước, 38 tuổi, đi dọc tuyến kênh bê-tông dẫn nước thải, có sự “góp mặt” của nhiều loại rác thải, cho biết: Trước đây chưa có tuyến dẫn, nước được thải tràn lan trong KCN, nhưng từ khi tuyến kênh dẫn được xây dựng, vô hình chung đã dẫn nước thải từ nhà máy về… khu dân cư. Trong khi trạm xử lý ngay bên cạnh thì “án binh bất động”.

“Các chú xuống cuối kênh dẫn mà xem, nước tràn vào nhà dân, gây xói lở, nồng nặc mùi hôi thối. Buổi trưa nắng, nước đặc quánh, đen sánh như dầu hắc, vậy mà người dân phải “cầm cự” cả 5-7 năm rồi”, ông Trần Hường, 67 tuổi, nhà trước miệng cống nước thải, bức xúc.

Ông Hường nói tiếp: Cách nay nửa tháng, thời điểm bị lũ lụt, nước thải dâng lên ngập trắng, sau khi nước rút, cả tổ này hầu như nhà nào cũng có người bị sốt xuất huyết.

Thế nước sinh hoạt thì sao? Người dân cho biết: “Tắm rửa, giặt giũ thì dùng nước ô nhiễm, còn nước nấu ăn, uống phải chạy tuốt qua xã Hòa Ninh, cách đó 5-6km gánh, thồ, đẩy bằng xe bò về. Nhà nào có tiền mua bình nước khoáng trên 10 lít về dùng.
Nhờ kêu cứu, hệ thống nước máy sạch đang được triển khai xây dựng, nhưng ngặt nỗi, giá cao quá (700.000đ/hộ) nên nhà nào không có tiền thì… xài nước ô nhiễm. Chúng tôi đã kiến nghị lên phường, quận, thành phố rất nhiều lần để được di dời, kiến nghị đừng cho nước thải chảy vào nhà dân nữa… nhưng mãi, chẳng thấy động tĩnh gì cả. Đích thân ông Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Phước Chính về đây kiểm tra, dân cũng đã kêu cứu trực tiếp, vậy nhưng vẫn như cũ”.