Người giới thiệu rừng Việt Nam với thế giới

Yêu rừng đến mức có thể lặn lội 15 đêm vào rừng rình chụp ảnh con gà so chân vàng. Có thể đội nắng cả ngày để có một con bướm đẹp. Viết báo, "quậy" tưng bừng trên trang web để kêu gọi bảo vệ loài cá rồng Việt Nam… Ðó là câu chuyện về một người kiểm lâm tự học để trở thành người tiên phong trong việc giới thiệu rừng Việt Nam với thế giới.

Rừng là khát vọng

Nghề cũ của Phùng Mỹ Trung vốn là nhân viên kế toán cho một đơn vị kiểm lâm. Mọi chuyện chỉ bất ngờ đổi khác khi anh vượt qua được nhiều nhà khoa học trẻ để giành giải nhất với phần mềm CD-Rom “Sinh vật rừng Việt Nam” thực hiện cùng một sinh viên ngành công nghệ thông tin.

Làm nhân viên gác rừng ở một vùng sâu của Ðồng Nai, công việc của anh hằng ngày là ôm súng quẩn quanh chu vi vài cây số để giữ rừng. Ðiều kiện công việc khiến anh hằng tháng trời không một cơ hội sờ lên bàn phím, con chuột. Ðó là những ngày tháng tuyệt vọng của Trung sau những thăng hoa trên con đường khoa học.

Tại sao không gửi gắm lòng mình với rừng vào điều khao khát cho tương lai? Ðó là ý nghĩ đầu tiên để Trung gửi gắm và phát triển nó thành trang web “Sinh vật rừng Việt Nam”. Anh quyết định xin ra khỏi rừng để được tiếp tục… gần rừng hơn, dù công việc chẳng có liên quan gì tới nghề rừng: phụ trách công nghệ thông tin cho Hải quan Ðồng Nai.

Những ngày làm kiểm lâm, do có thời gian rảnh, nên khi nhìn thấy những đồng đội của mình phải cực khổ lục lọi trong những đống “tàng thư” hàng chục, hàng trăm quyển sách để xác định một loài động thực vật, anh mới nghĩ đến chuyện lập một thư viện điện tử tra cứu các loài sinh vật giúp anh em trong ngành.

Vậy là trang web ra đời và cuộc hành trình về lại rừng bắt đầu. Việc thiết kế và vận hành trang web không mất bao nhiêu tiền bạc và công sức, nhưng các dữ liệu thì mới là việc đòi hỏi rất lớn. Trang web được làm ba năm nay, nhưng sự chuẩn bị tư liệu thì từ cả chục năm trước. Trung phải đi thực tế rất nhiều để điều tra, nghiên cứu, chụp ảnh, làm mô tả…

 pmt

 Phùng Mỹ Trung ghi chép những dữ liệu về cá sấu nước ngọt khi còn là nhân viên kiểm lâm Bàu Sấu Nam. 

Hầu hết các vườn quốc gia trong nước anh đã từng lặn lội qua. Trên trang web có tất cả các loài động thực vật có trong sách đỏ, mà trong sách đỏ thì chỉ có khoảng 20 loài là có ảnh mầu, còn lại chỉ là hình vẽ, còn trang web có tới khoảng 65% loài được chụp ảnh mầu rất chi tiết, sinh động.

Mục tiêu lúc đầu chỉ là vậy, nhưng dần dần công việc được phát triển lên thành ra hiệu quả cho cả cộng đồng xã hội. Ðây là trang web duy nhất của Việt Nam về phân loại các loài sinh vật, luôn cập nhật những thông tin về bản đồ phân bố các loài động thực vật.

Trên thế giới có nhiều trang web về sinh vật, nhưng chỉ chuyên về một loài thôi như cá, bướm chẳng hạn, còn mình thì làm “tả pín lù” để lôi kéo sự chú ý chung về các loài. Nói chung mục tiêu của nó tạo sự quan tâm của cộng đồng về bảo tồn đa dạng sinh học. Một khi người ta có biết rành về tập tính một loài vật, biết chúng quý hiếm ra sao, thì sẽ dễ dàng hơn để có ý thức bảo tồn…

Ước mơ giản dị

Tất cả tiền lương công chức và thời gian ngoài giờ của Trung bây giờ đều dành cho rừng. “Mới tối hôm qua thức cả đêm trên rừng vì có tin bò rừng lại về”, Trung nói. Chuyện đó đâu có lạ gì với Trung. Cứ chiều thứ sáu, sau giờ làm việc, thay vì về với gia đình hoặc thư giãn trong nội thành Biên Hòa nhộn nhịp thì Trung lại ôm chiếc máy ảnh Pentax cũ xì, quảy ba-lô lên rừng. Gần thì những cánh rừng Madagui, Núi Ông, Biển Lạc, Nam Cát Tiên… Ngày lễ, nghỉ phép được nghỉ lâu hơn thì phóng đến tận Sa Pa, Tam Ðảo, Phú Quốc, Côn Ðảo, Bạch Mã… để bổ sung nguồn tư liệu cho trang web “Sinh vật rừng Việt Nam”.

 

Phùng Mỹ Trung giới thiệu mẫu sinh vật Việt Nam cho một nghiên cứu sinh nước ngoài ở rừng Nam Cát Tiên.

Trang web trở nên quy mô, đồ sộ và có uy tín đối với thế giới sinh vật học thì tài lực trong anh cũng vơi dần. “Có lúc tôi cảm thấy xấu hổ khi mình không mang lại được tí lợi lộc nào để nuôi sống bản thân”, có lúc Trung tự hỏi về mình như vậy. Thoáng buồn nhưng rồi chợt thấy mình vẫn cứ sống mãi trong rừng rú, chụp được hình ảnh con chuồn chuồn, con bướm lạ,con gà so chân vàng, gà lam chân tía… thì lại la lên vì mừng. Hai lần rắn độc cắn giữa rừng, thoát được nhờ cây cỏ, về nhà Trung nằm im lặng, không dám nói với ai.

Chỉ cần truy cập vào địa chỉ: http://www.vncreatures.net là người xem đã có một bộ sưu tập đầy đủ về các sinh vật rừng tại Việt Nam hiện nay từ những loại phổ biến nhất đến những loài quý hiếm đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam hoặc Cites quốc tế. Lục lọi website này, bạn có thể tìm thấy ở đây thông tin, hình ảnh của những loài lan hài Paphiopedilum mọc ở những vùng núi cao ngất quanh năm mây mù, hay những loài thực vật đặc hữu Việt Nam như Cẩm lai Bà Rịa Dalbergia bariaensis. Xin nói thêm, Cẩm lai Bà Rịa hiện ở Việt Nam chỉ còn vài cây được bảo tồn ở Vườn Bách thảo.

Thích tìm hiểu động vật, website này sẽ cho bạn thấy hình ảnh những loài động vật quý hiếm chỉ còn một vài cá thể đang được bảo tồn nghiêm ngặt trong các vườn quốc gia như Tê giác một sừng Rhinoceros sondaicus, Cá rồng Việt Nam Scleropages formosus và hàng trăm các loại bọ cánh cứng quý hiếm hoặc các loài bướm với những sắc mầu lộng lẫy trên khắp các cánh rừng Việt Nam.

Lên trang web, Trung thường kêu gọi: “Hãy bảo vệ loài cá rồng Việt Nam”. Việt Nam làm gì có cá rồng? Thật ra đó là loài ngân long mà dân chơi cá kiểng đang săn lùng vì giá rất đắt và trong Sách đỏ Việt Nam ghi loài này đã tuyệt chủng.

 

Giao diện website VNcreatures.

Nhưng Trung đã chứng minh ngược lại bằng cách đi điều tra về loài cá rồng khắp rừng Nam Cát Tiên, đến tháng 02/2003 anh phát hiện con đầu tiên nằm trong rổ của người đi bắt cá. Khoanh vùng tìm kiếm đến tháng 10/2003, bằng những chứng minh khoa học, anh tự tin công bố rằng ở thượng nguồn vườn quốc gia Cát Tiên vẫn còn quần thể loài ngân long.

Cứ vậy, từ một lá cây, một bông hoa nhỏ, một con chuồn chuồn, một loài tắc kè núi… Trung đã đem đến cho thế giới sinh vật rừng Việt Nam một đa dạng sinh học. Trang web của anh đã có hơn 200.000 lượt người truy cập. Nhiều ý kiến từ Mỹ, Canada sau khi truy cập đã đề nghị anh nâng cấp nó lên, thêm phần tiếng Anh thì sẽ trở thành một nhánh trong “Website nghiên cứu đa dạng sinh học trực tuyến” của hệ thống các trường đại học Mỹ, trở thành “thư viện trực tuyến” cho sinh viên thế giới tìm hiểu về rừng Việt Nam. Trung đang cùng các cộng sự xây dựng không chỉ tiếng Anh mà còn cả tiếng Nhật cho trang web.

Với Trung, mọi việc vẫn còn ở tương lai: “Tôi chỉ ước mơ giá như đến một ngày nào đó không còn phải bận tâm chuyện cơm áo, tôi sẽ lang thang hết những cánh rừng ở Việt Nam và vẽ ra một bản đồ đa dạng sinh học chi tiết nhất. Xây dựng một hệ thống định vị toàn cầu, hệ thống báo cháy rừng quốc gia trên trang web của mình”.

Hiện website vncreatures đã cập nhật hơn 4.500 loài thực vật, 2.000 loài động vật, 600 loại côn trùng xuất hiện trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Những loài này được miêu tả, chụp ảnh và định danh với hơn 3.000 định nghĩa giải thích các thuật ngữ chuyên ngành. Có những loại quý hiếm và mới được phát hiện như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, dê sừng xoắn và thỏ hổ cũng được miêu tả và chú thích bằng hình ảnh.

Không chỉ cung cấp cho người xem những hình ảnh về các loài sinh vật, trang web còn mang lại một khối lượng thông tin đồ sộ về đặc tính các loài sinh vật rừng, về phương pháp phân loại cũng như các thuật ngữ, tên gọi chuyên ngành.

Website vncreatures rất thuận tiện cho việc tra cứu và quản lý vì các mục, các phân loại được phân chia rõ ràng và hợp lý. Thêm vào đó, những người quan tâm đến thế giới sinh vật ở Việt Nam có thể tra cứu nội dung thông tin trên website bằng tiếng Anh và Nhật.

Sắp tới, theo anh Phùng Mỹ Trung, nhóm các anh sẽ phát triển website nói trên thành một portal, nghĩa là cổng thông tin điện tử về bảo tồn đa dạng sinh học. Với cổng điện tử này, website sẽ trở thành một thư viện thực thụ với hàng nghìn thông tin về bảo tồn đa dạng sinh học được sắp xếp hợp lý và thuận tiện nhất cho người truy cập.

Sinh năm 1970, tốt nghiệp Ðại học Kinh tế, nếu an phận như những thanh niên cùng tuổi khác, Trung sẽ là một doanh nghiệp hoặc nhân viên văn phòng. Thế nhưng, tình yêu rừng đã làm anh rẽ hướng. Và giờ đây, trong tâm trí chàng thanh niên trẻ đó chỉ đau đáu: “Một cái cổng thông tin giáo dục các thế hệ trẻ về bảo tồn đa dạng sinh học. Sẽ còn tuyệt vời hơn nữa nếu như được các tổ chức xã hội nào đó hỗ trợ làm các bộ phim về đa dạng sinh học, giống như kênh truyền hình Animal Planet chẳng hạn”…