Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được Chính phủ và các tổ chức nước ngoài đánh giá cao kết quả thực hiện chương trình cấp nước sạch nông thôn. Các công trình cấp nước nông thôn được xây dựng trên địa bàn tỉnh không những phát huy được hiệu quả xã hội tốt mà còn có khả năng tái đầu tư để mở rộng và phát triển.
Để có được con số 39% người dân nông thôn sử dụng nước máy, Bà Rịa – Vũng Tàu đã trải qua 5 năm xây dựng cơ sở cấp nước sạch nông thôn trên kết quả bước đầu từ các công trình nước sạch nông thôn do tổ chức UNICEF tài trợ. Dù các công trình này đã giải quyết tạm thời nạn thiếu nước ở một số địa bàn nông thôn, nhưng chất lượng nước không tốt, công trình nhanh xuống cấp.
Để người dân nông thôn có cơ hội được sử dụng nguồn nước sạch bảo đảm hợp vệ sinh, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các nhà máy xử lý nước nông thôn. Trong giai đoạn 2003 – 2007, tỉnh tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh 2 nhà máy nước mặt và 6 nhà máy nước ngầm, nâng cấp 6 công trình hệ cấp nước, kéo dài thêm 495 km đường ống dẫn nước, nâng tổng chiều dài tuyến cấp nước đến tháng 10/2007 lên 772 km, tổng công suất cấp nước lên đến 20.920 m3/ngày đêm.
Tổng kinh phí để thực hiện các công trình hơn 200 tỷ đồng, trong đó có 68% nguồn ngân sách nhà nước và 32% nhân dân đóng góp. Hiện toàn tỉnh có 19.179 hộ dân được lắp đặt đồng hồ nước, trong đó có 457 hộ đồng bào dân tộc được lắp đặt miễn phí.
Cấp nước sạch nông thôn được xác định là một chương trình quốc gia, mang tính xã hội cao. Tuy nhiên, nếu không tính đến yếu tố kinh doanh lâu dài sẽ không có vốn tái đầu tư và bảo dưỡng công trình.
Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng các công trình cấp nước nông thôn, tỉnh chủ trương đầu tư hiện đại, nước sản xuất phải đạt tiêu chuẩn quốc gia. Bên cạnh mục tiêu phục vụ là chính, các công trình cấp nước nông thôn còn có thể thực hiện mục tiêu kinh doanh để bù đắp kinh phí đầu tư.
Hiện nay, nước sinh hoạt do các nhà máy nước nông thôn sản xuất có chất lượng không thua kém nước do các doanh nghiệp sản xuất phục vụ khu vực thành thị. Ngoài việc cấp nước sinh hoạt cho người dân, các nhà máy nước còn cung cấp nước đủ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong vùng sử dụng.
Theo quy hoạch cấp nước sạch nông thôn của tỉnh, đến năm 2010, có 70% dân nông thôn có cơ hội sử dụng nước máy (nước đạt tiêu chuẩn quốc gia) với mức 100 lít/người/ngày, đến năm 2015 con số này sẽ là 85% và đến năm 2020 toàn bộ cư dân nông thôn sử dụng nước máy. Bên cạnh đó, tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn cũng được đáp ứng nhu cầu về nước sạch.
Từ nay đến năm 2010, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng thêm 4 nhà máy nước gồm: nhà máy Sông Ray, Đá Bàn, Sông Hỏa và Cù Bị; nâng cấp 5 nhà máy Long Tân, Châu Pha, Hòa Hiệp, Lộc An và Bưng Riềng. Đồng thời, đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến ống chuyển tải và hệ thống tuyến ống phân phối nước đi khắp địa bàn 39 xã, thị trấn vùng nông thôn. Như vậy, đến năm 2010, tổng nhu cầu cấp nước cho vùng nông thôn là 74.541 m3/ngày đêm, trong đó bao gồm nước sinh hoạt cho người dân, nước phục vụ du lịch và công nghiệp.
Để bảo đảm cân bằng sinh thái, nguồn cấp nước cũng được điều chỉnh từ nguồn nước ngầm sang nước mặt. Theo tính toán đến năm 2010, các nhà máy nước nông thôn sẽ sử dụng 96% nước mặt để sản xuất nước sinh hoạt nông thôn. Nguồn cung cấp nước nguyên liệu chủ yếu lấy từ các hồ thủy lợi như: Đá Bàng, Đá Đen, Sông Ray.
Ông Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, phải tính toán đến mục tiêu kinh doanh khi làm quy hoạch. Nước phải bảo đảm hợp vệ sinh, có mặt bằng giá cả tương đương với nước ở khu vực đô thị nhằm đạt mục tiêu cấp nước cho tất cả các đơn vị kinh tế trên địa bàn. Có như vậy mới thực hiện được phương án “lấy thu bù chi”, tái sản xuất nước sạch bảo đảm phục vụ lâu dài và bền vững.