Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi phù hợp, những năm gần đây, xã Phong Mỹ (Cao Lãnh – Đồng Tháp) đã mạnh dạn đưa cây mè (vừng) vào sản xuất. Đây là mục tiêu giúp nông dân ứng dụng tốt những thành tựu khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hạ giá thành, góp phần cải thiện đời sống nông dân.
Vụ xuân hè 2007, xã đã tiến hành xây dựng cánh đồng mè với diện tích 31ha tại ấp 1. Vì là mô hình điểm nên chương trình được triển khai khá đồng bộ, chi tiết và khoa học. Sau khi có sự bàn bạc, thống nhất của các ban, ngành, Trạm Khuyến nông huyện đã hỗ trợ giống, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật trồng cho nông dân, thường xuyên bám sát đồng ruộng để hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho mè để đạt kết quả cao nhất.
Ấp 1 nằm sát bờ kênh Nguyễn Văn Tiếp, là vùng đất rất thuận lợi trong việc trồng cây màu và lúa. Năm 2004, bà con đã mở rộng diện tích trồng mè nhưng do vẫn áp dụng phương pháp truyền thống nên hiệu quả không cao, là cơ hội để ngành chức năng xã Phong Mỹ xây dựng cánh đồng mè chất lượng cao.
Người được chọn trồng mẫu là anh Trần Hồng A (0,5ha) và anh Dương Văn Tâm (0,5ha). Trong thời gian canh tác, các cán bộ kỹ thuật đã tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm so sánh hiệu quả giữa hai phương pháp canh tác cũ và mới.
Hầu hết nông dân đều đánh giá cao hiệu quả từ mô hình mẫu với năng suất đạt 1,5 tấn/ha, mang lại lợi nhuận gần 15.000.000đồng/ha. Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, bà con sẽ giảm chi phí 2 – 3 triệu đồng/ha so với cách trồng truyền thống.
Bà Dương Thị Bích Phượng, Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ nói: “Việc xây dụng cánh đồng mè là rất cần thiết, giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất đồng bộ, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất và lợi nhuận… Rất mong tỉnh, huyện hỗ trợ để xã nhân rộng mô hình này ở các ấp còn lại và sớm chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào sản xuất đại trà”.
Dự kiến vụ xuân hè năm 2008, Phong Mỹ sẽ mở rộng diện tích trồng mè lên 100ha, sau đó dần phát triển theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.