Atisô có tên khoa học là Cynara Scolynus Lour do người Pháp đưa vào Việt Nam và được trồng nhiều nhất tại Đà Lạt, rồi đến Sa Pa, Tam Đảo (những nơi có khí hậu ôn đới).
Hoạt chất chính của atisô là cynarine có vị đắng, có tác dụng nhuận gan, mật, thông tiểu tiện, kích thích tiêu hóa… Atisô được dùng dưới các dạng: Trà atisô gồm các bộ phận: thân, rễ, hoa, lá – là loại thuốc uống có tác dụng tốt cho gan và lợi tiểu tiện.
Đây cũng là đặc sản của Đà Lạt và ít có du khách nào khi đến Đà Lạt mà không mua vài gói trà atisô về uống cũng như làm quà cho người thân.
Cao atisô nấu từ lá atisô (vì các thành phần khác nhiều nước, ít hoạt chất). Đặc điểm của cao atisô là đắng, nhưng để lại dư vị ngòn ngọt. Mỗi ngày dùng 5-10 gr dạng cao mềm, uống lâu dài sẽ có tác dụng tốt đối với những người bị các bệnh về gan (thiểu năng gan, xơ gan…).
Cần lưu ý là nếu cao atisô mà ngọt tức không phải cao nguyên chất, vì vậy để tránh mua phải cao giả, kém phẩm chất, tốt nhất mua tại các cơ sở có uy tín, có thương hiệu.
Hoa atisô là một loại rau cao cấp. Nên chọn những bông atisô mập, chưa nở (không nhất thiết phải chọn hoa to, vì loại này đã già, ít cơm). Người ta thường dùng atisô nấu với thịt, xương, chân giò… được coi là một món ăn bổ dưỡng, cao cấp.
Hiện ngành y tế đã sản xuất atisô thành những viên nang hoặc cao lỏng là loại thuốc có tác dụng nhuận gan, mật, lợi tiểu. Nói chung, những người bị các bệnh về gan mật (viêm gan, thiểu năng gan, xơ gan…) nên dùng atisô lâu dài (có thể dùng dưới dạng trà, cao, viên đều được)
Nên nhớ là lá atisô mới chứa nhiều hoạt chất nhất, còn các bộ phận khác (hoa, thân, rễ) hoạt chất không cao nên chỉ có ý nghĩa như một loại trà mà thôi.