ThienNhien.Net – Tại một cuộc họp bên lề Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc tại Bali, BirdLife – Tổ chức bảo tồn chim quốc tế, đã chia sẻ kinh nghiệm giảm phá rừng ở Indonesia, Sierra Leone và Paraguay. Điển hình là khu rừng Haraphan giàu tài nguyên, có sự đa dạng sinh học cao ở Indonesia đã tránh được nạn phá rừng. Nhờ đó, cuộc sống của 37 loài chim có nguy cơ tiệt chủng toàn cầu và các loài động thực vật quí hiếm khác đã được bảo vệ.
Rừng Haruphan có diện tích 100.000ha, nằm ở hai tỉnh Jambi và Nam Sumatran. Rừng là nơi cư trú của hơn 260 loài chim, trong đó, 37 loài có nguy cơ tiệt chủng toàn cầu và 82 có nguy cơ gần tiệt chủng. Bên cạnh đó, có nhiều bằng chứng cho thấy sự hiện diện của voi châu Á, heo vòi Mã-lai, vượn a-gi-lê. Một vài năm trước, khu rừng mang tên Hi vọng này có gần 20 con hổ Sumatran có nguy cơ tuyệt chủng sinh sống (hiện nay cả thế giới chỉ còn khoảng 100 -300 con ngoài tự nhiên).
Phía Nam và Đông bắc của rừng có vài nhóm dân sinh sống, những người này chủ yếu di cư tự phát và họ sống phụ thuộc vào rừng. Do đó, nhóm người này đe dọa việc mất rừng với tốc độ nhanh và số lượng đáng kể.
Các tổ chức phi chính phủ bảo tồn chim như RSPB, Burung Indonesia và Birdlife cùng hợp tác để đàm phán và xác định biên giới của rừng. Đồng thời, thỏa thuận việc sử dụng đất bổ sung dọc theo bìa rừng.
Chính phủ Indonesia đã cấp đất, nhà và các dịch vụ cần thiết khác cho họ. Nhờ vậy, đã giảm được tối đa việc khai thác rừng để phục vụ cuộc sống hàng ngày của họ.
Từ ví dụ điển hình tại khu rừng Haruphan, có thể rút ra kinh nghiệm rằng để phục hồi rừng không thể bỏ qua việc chăm sóc cuộc sống cho những người dân địa phương. Cần đưa họ vào làm ở các vị trí như gác rừng hay theo dõi các loài động vật sống trong rừng. Trong tương lai, họ có thể làm việc trong các trạm nghiên cứu hay dịch vụ du lịch sinh thái khi việc phục hồi rừng hoàn tất.
Đồng thời, cần mở ra các dự án để hỗ trợ nghề cho người dân địa phương, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm không từ gỗ rừng như trồng đỗ petai, một loại đỗ phổ biến ở phía nam Sumatra. Đỗ petai mọc tự nhiên trong rừng, có thể đưa về trồng gần các ngôi làng và đến vụ thu hoạch có thể đem bán hoặc làm thức ăn hàng ngày. Khi không còn sống phụ thuộc vào rừng, các gia đình, cộng đồng và đại diện của chính quyền địa phương có thể tự mình quản lý rừng mà không cần sự hỗ trợ từ bên ngoài.
BirdLife coi trường hợp rừng Haraphan là một nguồn nghiên cứu đối với việc phục hồi hệ sinh thái và sinh học rừng có lượng mưa lớn tại các vùng nhiệt đới.
Birdlife nhấn mạnh, những kinh nghiệm của rừng Haruphan nếu được nhân rộng sẽ góp phần giảm 20% lượng khí thải nhà kính từ nạn phá rừng trên toàn cầu. Và từ đó, có thể giảm bớt tác động tiêu cực đến sự ấm lên của trái đất.