ThienNhien.Net – Theo một báo cáo của WWF, số lượng chim cánh cụt ở Nam Cực đang ở trong tình trạng báo động do sự ấm lên toàn cầu. Anna Reynold, đại diện chương trình Biến đổi khí hậu toàn cầu của WWF, nhận xét “Loài biểu tượng của Nam Cực đang phải đối mặt với một cuộc đấu tranh khốc liệt để thích ứng với sự gia tăng nhanh chưa từng có của biến đổi khí hậu”.
Báo cáo “Chim cánh cụt Nam Cực và biến đổi khí hậu” chỉ ra rằng 4 loài chim cánh cụt tại Nam Cực – Adélie, Emperor, Chinstrap and Gentoo – đang được đặt dưới tình trạng bị đe dọa leo thang. Nguyên nhân một phần là do sự ấm lên toàn cầu đang lấy đi những vùng đất mà chúng sinh sống. Thêm vào đó, nguồn thức ăn của các loài này cũng ngày càng trở nên khan hiểm do khí hậu thay đổi và tình trạng đánh bắt cá quá mức.
Cũng theo báo cáo này, bán đảo Nam Cực đang ấm lên nhanh hơn gấp 5 lần so với tốc độ trung bình toàn cầu, thậm chí vùng đại dương mênh mông phía Nam đã bị hâm nóng đến tận độ sâu 3000m. Thêm vào đó, băng đại dương (một loại băng được hình thành từ nước biển) hiện chỉ còn bao phủ 40% bán đảo Nam Cực, ít hơn so với 26 năm trước đây. Hiện tượng này cùng với tình trạng đánh bắt hải sản quá mức khiến cho số lượng của các loài nhuyễn thể – nguồn thức ăn chính của chim cánh cụt – ngày một ít đi.
Một số quần thể loài Chinstrap (loài chim cánh cụt có một vệt lông đen dưới cằm giống như dây buộc mũ) đã giảm khoảng từ 30 đến 66% số lượng do những con non hầu như khó tồn tại khi thức ăn khan hiếm. Tình trạng này cũng đang xảy ra tương tự đối với chim cánh cụt Gentoo – loài chim cánh cụt có mỏ đỏ và có dải lông trắng trên mắt.
Emperor (hay chim cánh cụt hoàng đế), loài chim cánh cụt lớn và oai vệ nhất thế giới, cũng bị giảm đi một một nửa trong hơn nửa thế kỉ qua. Mùa đông ấm lên cùng với gió mạnh hơn đồng nghĩa với việc chúng phải nuôi con trên những tảng băng đại dương ngày càng mỏng hơn. Trong nhiều năm qua, băng đại dương đã sớm bị chia nhỏ khiến nhiều trứng và chim cánh cụt non đã bị cuốn trôi trước khi chúng sẵn sàng cho một cuộc sống độc lập.
Ở bờ biển phía Tây Bắc của bán đảo Nam Cực, nơi hiện tượng ấm lên diễn ra mạnh mẽ nhất, các cư dân cánh cụt Adélie đã giảm 65% số lượng trong hơn 25 năm qua. Chúng không chỉ là nạn nhân của sự biến mất các tảng băng đại dương mà còn bị các loài Gentoosvà Chinstrap xâm chiếm khu vực sinh sống. Các nhà khoa học hết sức lo ngại cho vấn đề sinh tồn của loài chim cánh cụt này. Chúng cần những vùng đất đầy tuyết và băng để chăm sóc con non và tránh bị các loài khác xâm lấn.
Giám đốc của WWF quốc tế, Jame Leape, cho rằng: “Sau một hành trình dài để đến Bali, các bộ trưởng cần phải xem xét chặt chẽ hơn vấn đề giảm thiểu phát thải carbon tại các nước công nghiệp để bảo vệ Nam Cực cũng như bảo vệ sự sống trên hành tinh này.”