ThienNhien.Net – Hoa quả, thực phẩm, rau … tiêu thụ hàng ngày ở Việt Nam đều chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Không chỉ có Việt Nam, an ninh lương thực ở mọi vùng đất của mọi quốc gia đều chịu tác động của những thay đổi rõ nét của khí hậu.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc – FAO đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ trên tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC).
Trong văn bản khung “Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực”, FAO nhấn mạnh: “Những biến đổi thời tiết và hạn hán ngày càng nhiều và mức độ ngày càng tăng, mực nước biển dâng cao và những thay đổi bất thường của mùa mưa đã ngay lập tức ảnh hưởng đến việc sản xuất, phân phối lương thực, đẩy an ninh lương thực vào tình trạng báo động, tác động đến tài sản cá nhân, các cơ hội và sức khỏe của con người ở nông thôn và thành thị”.
Những thay đổi đó có thể tích cực hay tiêu cực. Chẳng hạn như sẽ có nhiều biến đổi về đất trồng trọt: Có thể trồng nhiều vụ mùa trên một mảnh đât song diện tích đất canh tác có thể thu hẹp do cằn cỗi, độ mặn trong đất tăng, do sự suy giảm của nước ngầm và nước biển dâng cao. Mùa màng có thể thất bát, cá và vật nuôi có thể chết.
Và khi đó, nguồn cung cấp lương thực cũng bị ảnh hưởng ở mức độ toàn cầu và quốc gia. Đặc biệt, do mất mùa, những nước mà người dân có thu nhập thấp có thể phải dựa vào viện trợ do không đủ tiền mua lương thực của nước ngoài.
Bên cạnh đó, người nghèo ở các nước đang phát triển có thể nghèo hơn. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng sự phân biệt đối xử về kinh tế và xã hội, làm sụt giảm chế độ dinh dưỡng dành cho phụ nữ, trẻ em, người già và người bệnh, người khuyết tật.
Theo Viện Nghiên cứu Rau – Quả Trung ương (IFVR), khoảng 2/3 số cây bưởi Phúc Trạch năm 2005 và 2006 không cho thu hoạch. Các cây còn lại năng suất chỉ bằng 1/10 năm 2000, khi tổ chức hội thi. Hiện tượng mất mùa vẫn tiếp diễn đến mùa bưởi năm 2007. |