Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (TP. Hồ Chí Minh) vừa nghiên cứu thành công quy trình chế biến rượu vang từ nguồn dứa phế thải ở các nhà máy chế biến rau quả.
Bã dứa (vỏ, mắt, miếng vụn) đã ép lần thứ nhất vẫn còn 80% nước có thể tận dụng để ép làm dịch dứa.
Loại nước ép này vẫn có hương vị tốt, màu sắc đẹp, rất thích hợp để chế biến rượu vang. Ngoài tận dụng nguồn dịch dứa để làm rượu, bã khô được sấy hoặc phơi nắng làm thức ăn gia súc hoặc chế biến làm phân bón, rất tốt cho môi trường.
Hiện nay, một nhà máy chế biến rau quả (làm nước cô đặc) vào mùa dứa ước tính mỗi ngày cũng thải ra khoảng 50 tấn bã. Nếu số bã này đổ đi, phải mất chi phí khoảng 200 triệu đồng/năm.
Tận dụng được nguồn bã phế thải này để sản xuất rượu vang vừa có lợi cho môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dây chuyền ép, sấy làm rượu vang của Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đạt năng suất 2 tấn nguyên liệu/ giờ, hiện đã được chuyển giao cho nhiều nhà máy chế biến rau quả ở TP. Hồ Chí Minh.