Ngày của rừng đầu tiên trên thế giới

ThienNhien.Net – Thế giới biết đến Bali như thiên đường trên mặt đất. Song các nhà bảo vệ môi trường còn biết đến một góc tối của thiên đường: những khu vực thiếu màu xanh ngay cạnh khu vực diễn ra hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu (UNFCCC). Tại UNFCCC, Liên hợp quốc quyết định chọn ngày 08/12/2007 là ngày của rừng đầu tiên trên toàn thế giới.

Nhu cầu của những người chịu tác động phải là trung tâm thảo luận 


Hòn đảo Nusa Pendida, nằm gần bán đảo Nusa Dua, nơi diễn ra Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu của Liên Hợp quốc , chỉ có 5% diện tích che phủ màu xanh. Ngôi làng Tanjung Benoa, nằm phía tây của Nusa Dua – bán đảo đẹp nhất Bali, vẫn chưa có “tấm chắn xanh” bảo vệ cuộc sống người dân. Gió và sóng vẫn có thể đe dọa những ngôi nhà, mạng sống và nguồn kiếm sống của họ. 

Không chỉ riêng BaLi, còn có rất nhiều nơi trên thế giới cũng cần màu xanh. Thiếu màu xanh cũng đồng nghĩa với việc làm tăng cơ hội để biến đổi khí hậu tác động đến cuộc sống con người. 


Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận toàn cầu, những hành động kịp thời thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu chưa được nhắc đến nhiều. “Bất hạnh thay, những cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu thường tập trung quá nhiều vào việc giảm các tác động tương lai như cắt giảm khí thải carbon trong khi lẽ ra cần tập trung hơn vào những nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề”, Simon Missiri, phó trưởng đoàn của Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế nhận xét. 



Hạt giống cho Bali 


Bali còn thiếu màu xanh và nhiều tổ chức phi chính phủ đang cố gắng tìm ra cách “bổ sung màu xanh” cho Bali. Ngay gần cổng kiểm tra an ninh của Khu nghỉ mát Westin, nơi diễn ra những hoạt động chính của UNFCCC, có một căn lều trắng trang trí cây xanh với dòng chữ “Hạt giống cho Bali”.  


Khi chúng tôi đến, một tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ của Indonesia đón chúng tôi bằng nụ cười nồng ấm và nói: “Các bạn hãy trồng một cây xanh cho Bali. Bali rất cần cây xanh của các bạn”. Và có khoảng 100 người đáp lại đề nghị đó của Tổ chức “Những người bạn của Quỹ các vườn quốc gia” (FNPF), sau 6 ngày diễn ra Hội nghị (03-08/12). 


“Tôi thấy ý tưởng trồng cây ở Bali rất hay.” Anh Firmansyah Ms, một người dân đến từ Jakarta (Indonesia), là một trong số đó. “Thế hệ trước đã trồng cây để chúng tôi được hưởng không khí trong lành và cảnh quan tuyệt đẹp. Tôi trồng cây để giảm tác động của biến đổi khí hậu cho thế hệ mình và con cháu mai sau.” 


Mỗi cây xanh có giá khoảng 30.000 rupiah (3,3 USD). Sau khi UNFCCC kết thúc vào ngày 15/12, FNPF sẽ gom lượng cây xanh bán được từ 3 căn lều “Hạt giống cho Bali” và mang đến trồng ở hòn đảo chỉ có 5% diện tích cây xanh – Nusa Pendida. Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế cũng dự định trồng 10.000 cây đước tại Bali. Mỗi cây đước – tấm chắn gió và sóng, đại diện cho một trong số 10.000 đại biểu tham dự UNFCCC.  


Vào ngày 09/12, đại diện của Liên đoàn từ khắp nơi trên thế giới đã trồng cây đước tại ngôi làng thiếu “tấm chắn xanh” Tanjung Benoa. Trước đó, các tình nguyện viên chữ thập đỏ cũng đã trồng 2.000 cây đước.  


Madeleen Helmer, người đứng đầu Trung tâm khí hậu của Tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế, cho biết: “Với hoạt động trồng cây, chúng tôi muốn đưa thông điệp từ những cuộc thảo luận ra ngoài phòng họp đến với những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng nặng nhất do biến đổi khí hậu”.  

Theo Birdlife, mỗi năm thế giới mất đi khoảng 13 triệu ha rừng. Diện tích rừng mất đi sản sinh ra 20% lượng khí thải nhà kính hàng năm.

Còn theo đại diện của FNPF, tính đến tháng 03/2007, tổ chức này cùng với cộng đồng địa phương đã trồng khoảng 35.000 cây con tại Nusa Pendida. Dự kiến trong 5 năm tới sẽ có thêm 100ha đất được phủ xanh.