Đó là một câu chuyện tưởng chừng như không thể, nhưng nó đã và đang hiện hữu ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sau những công trình nguy nga tráng lệ đang hối hả mọc lên giữa lòng thành phố trẻ, hàng ngàn hộ dân ở khu vực hai rạch Cái Sơn và Bà Bầu vẫn ngày ngày sống bên những dòng nước đen, với rác rưởi trôi lềnh bềnh, muỗi mòng bay như sáo thổi…
Bác Thạnh, nhà ở khóm Đông Phú (phường Đông Xuyên, TP.Long Xuyên) bức xúc: Tất cả những thứ hôi thối nhất khắp nơi, từ chợ Mỹ Xuyên, các khu dân cư, chất thải bệnh viện đều đổ về đây… để người dân chịu trận ! Tất cả hệ thống thoát nước sinh hoạt cho hàng ngàn hộ dân chỉ trông chờ vỏn vẹn vào đường thoát nước duy nhất ở chân cầu Bà Bầu. Hơn chục năm nay, nước bẩn cứ đổ qua đổ lại giữa 2 khóm Đông Phú và Đông Hưng.
Theo quan sát, đoạn rạch Bà Bầu dài khoảng 900m, nước thải từ đầu rạch Bà Bầu đến đoạn khóm Đông Hưng, do lâu ngày không được nạo vét, nước không sao thoát ra được sông Long Xuyên. Vào những ngày gió bấc, mùi hôi thối từ con rạch cứ xộc thẳng vào mũi. Nhiều người dân ở địa phương chua chát: Vào khu vực phường Đông Xuyên, muốn tìm nhà người quen ở khóm Đông Phú dễ lắm, chỉ cần ngửi nơi nào “có mùi” thì đích thị là “nó”.
Do phải tiếp xúc nhiều với nguồn nước ô nhiễm, nên ở đây đã xuất hiện nhiều trường hợp bị bệnh hô hấp. Bác Thạnh nói tiếp: Cứ kéo dài tình trạng này chúng tôi làm sao chịu nổi. Thấy chính quyền thành phố Long Xuyên cử người đến đo đạc, cắm mốc gì đó… dân ở đây mừng lắm. Nhưng đã lâu không thấy nhúc nhích gì. Chẳng lẽ để dân chúng tôi kiến nghị mãi sao (?!).
Còn chị Hà-một hộ dân ở đây “mơ ước” giản dị: Người dân rất mong chính quyền sớm triển khai đề án quy hoạch lại dân cư nơi đây, với một hệ thống cấp, thoát nước hoàn chỉnh, chứ đừng phó mặc tình trạng ô nhiễm mùi hôi này cho chúng tôi. Dân ở đây đa số còn nghèo, làm sao mà tự bỏ tiền ra đầu tư một hệ thống cống lớn như thế.
Ông Đặng Văn Hòa, Bí thư phường Đông Xuyên trăn trở: Được biết, UBND thành phố Long Xuyên đã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu dân cư này, trong đó có cả việc xây dựng hệ thống cấp thoát nước. Nhưng nghe nói do thiếu vốn nên đành chờ !
Còn ở rạch Cái Sơn, nhờ triều cường dâng cao vào những ngày này nên thi thoảng có phần “nhẹ mùi” hơn rạch Bà Bầu, bởi nước bẩn, rác thải đã trôi bớt ra sông Long Xuyên, nhưng cũng không kém phần ô nhiễm. Rác, chất thải từ các hộ dân vẫn còn đầy cả con rạch.
Anh Minh, ngụ khóm Đông Thịnh 2 nói: Mùa này, người dân khu vực đỡ khổ, chứ khoảng 2 tháng nữa nước rút thì đâu vào đấy. Cả con rạch đen như nước màu, muỗi bay đập mỏi tay, rạch Cái Sơn ô nhiễm không thua kênh Nhiêu Lộc ở TP. Hồ Chí Minh ngày xưa, những thứ cặn bã khắp nơi, từ bệnh viện, chợ Long Xuyên… đổ về khiến người dân nơi đây lãnh đủ.
Chị Nguyệt, một người dân nơi đây phụ họa: Lúc đó chỉ tội nghiệp mấy hộ xóm vạn đò sống trong khu vực giáp ranh giữa rạch Cái Sơn và con kênh Long Xuyên, khi ngày ngày phải chịu cảnh ăn, ngủ cùng với nguồn nước ô nhiễm nặng. Chị kể rằng một người bà con của chị sinh sống ở xóm vạn đò đã từng “than”, cứ độ đến tháng giêng là cả nhà hết sốt xuất huyết thì bị tiêu chảy hoành hành cùng nhiều thứ bệnh khác.
Để người dân bớt khổ, để thành phố Long Xuyên xanh, sạch đẹp hơn, thiết nghĩ, chính quyền thành phố Long Xuyên cần sớm triển khai các đề án sắp xếp dân cư, xử lý vấn đề môi trường – 2 vấn đề không kém phần quan trọng để thành phố Long Xuyên trở thành đô thị loại 2.