Môi trường tự nhiên đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng, gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Ðó là "mặt sau của tăng trưởng kinh tế". Ba lưu vực sông lớn, rất quan trọng của nước ta là hệ thống sông Cầu, sông Nhuệ – Ðáy và sông Ðồng Nai. Ðây cũng là nơi gắn liền với hai đầu tàu kinh tế lớn của đất nước. Thế nhưng, đi dọc theo dòng chảy của những con sông này, có nhiều điều đáng phải giật mình.
Ðâu rồi những dòng sông xanh ?
Lưu vực sông Cầu tiếp nhận nước thải của sáu tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và một phần nước thải của Hà Nội. Bắt đầu cuộc hành trình ngược dòng từ phía hạ lưu hệ thống sông Cầu, nơi dòng Ngũ Huyện Khê uốn mình chảy quanh Bắc Ninh với chiều dài 24km trước khi đổ vào sông Cầu.
Vừa đến chân đê thôn Châm Khê, xã Phong Khê, đã “phảng phất” một mùi tanh nồng. Nơi đầu nguồn dòng sông, nước một mầu đen đặc. Hai bên bờ, ngồn ngộn những đống rác hình thành từ giấy vụn, dầu nhớt, xút, nhựa, xỉ than, đinh ghim… bốc mùi hôi thối kinh khủng.
Tại lưu vực sông Nhuệ – Ðáy, môi trường mặt nước đang chịu sự tác động mạnh của nước thải sinh hoạt và các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản trong khu vực. Chất lượng nước của hai dòng sông này đã được cảnh báo ở mức độ ô nhiễm trung bình đến ô nhiễm nặng.
Vào thời điểm này, mặt nước sông Nhuệ do không có nguồn nước sông Hồng đổ vào pha loãng nên ở nhiều khúc sông nước trở nên có mầu đen nâu và hôi, bơm lên toàn bọt trắng xóa. Ngay từ đoạn chảy qua TP Hà Ðông, nước sông Nhuệ đã mang mầu đen, có váng, cặn lắng và có mùi tanh. Sau đó, con sông này tiếp tục tiếp nhận nguồn thải của các cơ sở dệt nhuộm sử dụng nhiều hóa chất khiến nước có độ mầu rất cao, lượng hóa chất dư thừa lớn. Chảy tiếp tới địa phận Phủ Lý, sông còn phải gánh thêm nước thải sinh hoạt và sản xuất công nghiệp của địa phương này.
Theo dự báo của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, tải lượng ô nhiễm vào lưu vực sông Nhuệ từ đập Thanh Liệt sẽ tăng lên gần 16% trong khoảng thời gian từ 2005 đến 2010 nên mức độ ô nhiễm sẽ ngày càng tăng.
Tại Nam Ðịnh, từ năm 1937, sau khi xây dựng xong đập Ðáy, nước sông Hồng không thường xuyên chảy vào sông Ðáy, dẫn đến 71 km của sông Nhuệ – Ðáy (phần đầu nguồn sông từ km 0 đến Ba Thá) trở thành khúc sông chết. Hiện sông Ðáy đã bị xâm mặn ở vùng hạ lưu, phần thượng lưu và trung lưu bị ô nhiễm do nguồn nước thải ở vùng dân cư tập trung, khu công nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Hà Tây, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Hà Nội.
Ô nhiễm từ hai con sông trên đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân. Nhà máy nước Hà Nam phải đóng cửa mấy lần vì nước sông Ðáy quá ô nhiễm, không xử lý nổi. Nhiều người đã gọi đây là những dòng sông sắp qua đời. Nếu không có biện pháp gì cứu vãn thì sông Nhuệ, sông Ðáy sẽ trở thành những dòng sông chết, nước không thể sử dụng được vào bất kỳ mục đích gì trong khoảng 10 năm tới.
Thực tế tại bốn con sông của Hà Nội (sông Lừ, Sét, Kim Ngưu, Tô Lịch) là lúc nào cũng đen kịt, đặc quánh như hắc ín, tỏa mùi hôi thối sặc mũi. Gọi là sông, nhưng thực chất nhiều đoạn đã co lại thảm hại như con mương, rác nổi lều phều. Lượng bùn lắng đọng, dòng chảy bị tắc nghẽn và trở thành môi trường lưu giữ những chất độc hại khiến nhiều đoạn gần như hoàn toàn “chết” khi phải thường xuyên tiếp nhận lượng nước thải quá tải. Nhất là vào thời điểm tháng 10 này, khi mùa mưa qua đi, cũng là thời điểm các con sông thoát nước của thành phố rơi vào tình trạng cạn nước, nhiều đoạn trơ cả đáy.
Ngay cả sông Hồng vào mùa khô, cả khu vực sông ở mé trong (gần bờ, do bãi giữa đã chia đôi sông Hồng thành hai dòng) đã gần như “đổi mầu” thành dòng mương đen. Một cụ già tại khu nhà gần bờ sông cho biết: “Nước sông lên to cũng thấy sợ nhưng cũng còn đỡ vì không khí cảm thấy mát mẻ trong lành. Chứ tầm tháng 3, tháng 4, trời vừa nắng, sông thì cạn, mùi rác rưởi, nước sinh hoạt thải ra sông theo gió đưa vào chịu không nổi. Sông Hồng rồi cũng sẽ chung số phận như các sông, hồ trong nội thành thôi”…
Sông Ðồng Nai chảy qua 12 tỉnh, thành phố, trong đó có 7 thành phố thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía nam, với chức năng quan trọng là cung cấp nước cho sinh hoạt của hàng triệu người dân đang sinh sống ở các khu đô thị và khu công nghiệp tập trung ở vùng hạ lưu, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, TP Biên Hòa, và Thị xã Thủ Dầu Một. Nhưng nơi đây cũng đang bị khai thác quá tải, nước sông bị ô nhiễm, nhiều chỉ tiêu môi trường vượt chuẩn cho phép, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá…
Tại cửa cảng Nhà máy lân phốt phát thuộc Khu công nghiệp Gò Dầu ở xã Phước Thái, huyện Long Thành (Ðồng Nai), nước thải qua các cửa cống tuôn mầu đen đặc. Còn cửa xả nước thải của Công ty cổ phần Vedan Việt Nam cũng tương tự và nước thải cũng trực tiếp từ cửa cống xả thẳng ra sông. Vì vậy, khu vực từ cửa cảng Thị Vải đến lưu vực Nhà máy Vedan Việt Nam, bầu không khí đậm đặc mùi hôi thối bốc lên.
Sông Thị Vải là con sông có chiều dài gần 80 km chảy qua TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Ðồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, mang nguồn nước mặn, lợ với chế độ bán nhật triều và hệ động thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng. Tuy vậy, hiện nay dòng sông đang bị ô nhiễm nặng bởi ngày đêm phải hứng chịu hàng chục nghìn khối nước thải trực tiếp từ các nhà máy, khu công nghiệp đổ vào.
Ði trên sông nhưng lại phải mang khẩu trang. Cả không gian rộng lớn xồng xộc mùi thối nồng nặc. Cái mùi khó chịu gấp trăm nghìn lần những con sông thối ở Hà Nội. Mùi thối không phải của rác, nước thải sinh hoạt mà là sự tích tụ lâu ngày của hóa chất. Mặt nước đen kìn kịt, pha lẫn mầu vàng bờn bợt. Càng đến gần khu vực Long Thành, Ðồng Nai, mùi hôi thối càng nặng thêm…
Anh Tư Thành, một người dân ở đây nói: “Mỗi lần chạy ca-nô qua con sông này, hai đến ba ngày sau tôi phải uống thuốc vì mũi viêm, đầu nhức!”. Do ô nhiễm nặng, thời gian gần đây, cá tôm trên sông Thị Vải chết hàng loạt. Theo người dân địa phương, cá chết có hiện tượng nổ mắt, miệng mở to và mang bị hoại tử.
Anh Trương Văn Ninh, một ngư dân gắn bó với dòng sông này đã hơn 20 năm buồn rầu: “Hơn 20 năm làm nghề ở đây, chưa bao giờ tôi thấy cá tôm lại chết lạ như thế này. Chỉ có chất độc mới có thể gây cho cá nổ mắt, mang hoại tử. Ngày trước, tụi tui chưa bao giờ nghĩ, sẽ đến lúc dòng sông Thị Vải hết cá tôm. Chỉ đến khi các khu công nghiệp với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp mọc lên, chất thải thi nhau đổ xuống sông mới nên nỗi này”.
Sông Thị Vải đang chết dần, chết mòn, và cứ đà này, sẽ chết hẳn sau 30 năm nữa. Ðó là cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Cục Bảo vệ Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trong lúc các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cứu dòng sông được coi là giàu và đẹp bậc nhất vùng Ðông Nam Bộ này, thì hàng trăm, hàng nghìn con người sống ở dòng sông “chết”, vẫn đang trần lưng chung sống với ô nhiễm và loay hoay tìm lối ra.
Đối với sông Sài Gòn thuộc hệ thống sông Ðồng Nai cũng vậy. Dù nó là con sông chính gắn hệ thống kênh rạch nội thành TP Hồ Chí Minh, nhưng tất thảy đều ô nhiễm trầm trọng. Dòng kênh Tàu Hủ – Bến Nghé trong xanh, đẹp đẽ ngày nào giờ cũng đã bị khai tử.
Nặng nề nhất là khu vực rạch M5 (cầu Quới Ðước). Dòng chảy tại đây bị tắc tạo thành trạng thái tù đọng. Theo Ban Quản lý dự án đại lộ Ðông Tây và môi trường nước thành phố, chất lượng nước tại kênh Tàu Hủ – Bến Nghé ngày càng xấu đi, nồng độ SS trong nước thải đổ vào kênh là 845 mg/lít – một chỉ số mà các nhà nghiên cứu cho rằng không có khả năng duy trì sự sống.
Bây giờ, danh từ “kênh thúi”, “sông đen” đã trở thành tên cho mọi con kênh, con sông của thành phố. Tất cả những dòng kênh còn lại ở nội thành như Tân Hóa, Lò Gốm, Tàu Hủ – Bến Nghé… đều rặt một mầu đen quánh. Kênh Tham Lương, Tân Hóa cũng có lúc đổi mầu nhưng là mầu đỏ của hóa chất, đầy váng dầu mỡ. Trên kênh Lò Gốm, những bến thuyền neo đậu trở thành bãi rác trên sông. Ở thành phố lớn nhất của cả nước nhưng sau lưng nhà dân tạo thành đầm nước đen ngòm đầy ruồi nhặng, bốc mùi hôi thối.
Chỉ sàn bếp ngập ngụa nước, bà Nguyễn Thị Nhiều nói: “Hôm nào lặng gió hôi đến thở không nổi, phải mở quạt máy suốt đêm mới ngủ được”. Theo con nước, rác trôi dạt đọng vào những dãy nhà sàn trên kênh mang theo bao hiểm họa.
Nguyên nhân và hậu quả
Ðặc điểm chung của ba lưu vực sông trên về nguyên nhân gây ô nhiễm đều do phải hứng trọn lượng nước thải sinh hoạt, nước công nghiệp, làng nghề và y tế không được xử lý của các vùng lân cận.
Tại lưu vực sông Cầu, thống kê sơ bộ có hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp, trong đó, tổng lượng nước thải của ngành khai thác mỏ, chế biến khoáng sản chiếm 55%, tiếp đến là ngành kim khí, giấy và chế biến nông sản thực phẩm.
Ðiều tra trong tỉnh Thái Nguyên đã cho thấy, tổng lượng nước thải dẫn đổ ra sông Cầu của các cơ sở luyện kim, cán thép, chế tạo thiết bị máy móc tập trung là hơn 16.000 m3/ngày. Riêng KCN gang thép Thái Nguyên mỗi năm cũng đã “ban tặng” cho dòng sông có hơn 1,3 triệu m3 nước thải.
Ðiều đáng nói là nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất gang thép có chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại như dầu mỡ, phenol và xianua. Ðây là một trong những “thủ phạm” chính khiến nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm nặng nề. KCN lớn thứ hai của Thái Nguyên: KCN Sông Công với các nhà máy sản xuất cơ khí, chế tạo máy động lực mặc dù đã hoạt động từ năm 2001 nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các nhà máy trong KCN cũng chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc chỉ có hệ thống xử lý lắng cặn sơ bộ rồi thải thẳng ra sông Công đem theo rất nhiều dầu mỡ, kim loại nặng độc hại.
Trước khi đầu tư một hệ thống xử lý nước thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm, Nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đặt ngay trong thành phố cũng đã kịp xả thẳng vào các nhánh nhỏ đổ ra sông Cầu nhiều chất ô nhiễm vô cơ, xơ sợi khó lắng, nước có mầu đen, độ kiềm cao và bốc mùi… Những khu vực dân cư sống dọc các bờ sông cũng góp phần gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn.
Mỗi năm lưu vực sông Cầu tiếp nhận thêm ít nhất 180.000 tấn phân hóa học và 1.500 tấn thuốc trừ sâu. Người dân chợ họp suốt cả ngày ngay cạnh bờ sông mỗi ngày, vứt rác bừa bãi tạo nên những đống rác khổng lồ. Về mùa mưa những đống rác thải này theo nước đổ ra sông Thác Ma rồi xuôi về sông Ô Giang và sông Ô Lâu.
Tương tự, lưu vực sông Nhuệ, sông Ðáy ô nhiễm do nước thải sinh hoạt cao nhất, trong đó Hà Nội chiếm 54% lượng nước thải toàn lưu vực. Mỗi ngày, sông nhận hơn 10.000m3 nước thải từ hơn 1.400 cơ sở y tế. Nước và chất thải từ ngành công nghiệp là yếu tố quan trọng gây suy giảm chất lượng nước mặt sông.
Hà Nội chiếm 30% lượng nước thải công nghiệp với hơn 100 nghìn m3/ngày. Ðặc biệt nước thải từ sản xuất dệt nhuộm chứa nhiều hóa chất như thuốc tẩy, xút, phèn, nhựa thông, phẩm mầu… gây hại cho môi trường. Nước thải từ các làng nghề, chăn nuôi, trồng trọt cũng là yếu tố quan trọng góp phần gây ô nhiễm.
Tính riêng Hà Tây hiện có 219 làng nghề nhưng chỉ có duy nhất một làng xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Việc phát triển sản xuất tại các làng nghề không chỉ khiến bầu không khí ở đây bị ô nhiễm nặng mà nguồn nước cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Với đặc trưng là làng nghề thủ công, trang, thiết bị lạc hậu, quy mô hộ gia đình nên khả năng đầu tư hệ thống xử lý nước thải là… không tưởng. Do vậy, cũng như nước thải sinh hoạt, y tế, nước thải từ các làng nghề với rác thải, hóa chất độc hại đều được xả thẳng ra sông.
Hệ thống sông Ðồng Nai cũng gánh chịu lượng nước thải của gần 10 nghìn DN sản xuất công nghiệp trên địa bàn, khu vực lân cận, trong đó TP Hồ Chí Minh chiếm hơn 60%. Bình quân, mỗi ngày lưu vực sông tiếp nhận khoảng 480.000 m3 nước thải từ các khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất công nghiệp phân tán trên lưu vực.
Báo cáo về hiện trạng môi trường nước mặt vùng hạ lưu của Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, cho biết: Các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội trên lưu vực đã làm cho môi trường nước bị ô nhiễm rõ rệt. Ðặc biệt là hệ thống kênh rạch nội thành, nội thị và ven đô.
Kết quả quan trắc của cơ quan môi trường đã cho thấy mức độ độc hại của các nguồn nước thải trên sông Ðồng Nai đã gây ô nhiễm tới mức ở nhiều khúc sông các loài vi sinh vật ở đây không còn khả năng sống sót.
Tại báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ô nhiễm sông Thị Vải, Bộ Tài nguyên – Môi trường nhìn nhận một thực trạng xót xa: “Khu vực bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài khoảng 10 km từ xã Long Thọ (Nhơn Trạch, Ðồng Nai) đến xã Mỹ Xuân (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu), nồng độ ô-xy hòa tan trong nước chỉ ở mức từ 0,5 mg/lít trở xuống”. Bộ này giải trình với Thủ tướng rằng “với nồng độ ô-xy thấp như vậy, các sinh vật ở dưới nước không thể sinh trưởng và phát triển được…”.
Nguồn nước mặt ô nhiễm nặng gây hại đối với nguồn nước ngầm cũng đã xảy ra. Trong 45 vị trí lấy mẫu nước ngầm tại TP Hồ Chí Minh để kiểm tra các chỉ tiêu vi lượng như đồng, chì, thạch tín, thủy ngân, mangan… thì có đến 20 mẫu phân tích vượt giới hạn vi lượng cho phép.
Kỹ sư Nguyễn Thị Thùy Trang, Ðoàn Ðịa chất thủy văn – Ðịa chất công trình 806, cho biết: “Nước ngầm đã có dấu hiệu hàm lượng Fe quá cao, hầu hết đều có tính a-xít và đang bị ô nhiễm vi lượng, hữu cơ… Kết quả này chỉ phản ánh được một phần khiêm tốn thực trạng ô nhiễm nguồn nước dưới đất của thành phố”.
Bà Trang nhận định: “Thật khó xác định được ô nhiễm nước mặt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe. Nước có thể lan tỏa rất nhanh, ngấm xuống các mạch nước ngầm và… làm hại bao nhiêu thế hệ”.
Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại lưu vực các sông trên cho thấy sự phát triển kinh tế – xã hội không bền vững, gây áp lực lên môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Nếu không có các biện pháp bảo vệ môi trường hợp lý, sẽ đặc biệt nguy hiểm.