Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tây có 24 cụm công nghiệp (CN), 56 điểm CN làng nghề đã và đang triển khai xây dựng. Quá trình phát triển, xây dựng các cụm, điểm CN trên địa bàn tỉnh đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế lớn góp phần tăng thu cho ngân sách và sản phẩm xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, xây dựng các cụm, điểm CN chúng ta đang phải đối mặt với tác động ô nhiễm môi trường rác thải, nước thải, khí thải gây ra.
Đặc điểm chính của công nghiệp tỉnh Hà Tây là qui mô vừa và nhỏ. Lượng chất thải CN tập trung vào các ngành cơ khí, hóa chất, dệt nhuộm, da giày, giấy, chế biến lâm sản, nông sản. Những chất thải CN chủ yếu phát sinh sau các công đoạn sản xuất như sử dụng hóa chất làm nguyên liệu đầu vào, bùn thải từ hệ thống xử lý nước có chứa chất thải nguy hại, bã thải, dầu mỡ thải từ quá trình sửa chữa và bảo dưỡng. Trung bình một ngày lượng chất thải rắn CN trên địa bàn tỉnh khoảng 320 tấn, chiếm 20- 25% tổng lượng chất thải rắn phát sinh.
Tại các cụm, điểm CN rác thải được thu gom tập trung và thuê Công ty Môi trường đô thị (MTĐT) Hà Đông, Sơn Tây, Xuân Mai chuyên chở đi chôn lấp thông thường. Công nghệ xử lý rác chôn lấp trong 7 năm qua đã làm đầy 70% diện tích các hố rác rộng chừng gần 10ha. Bãi rác chật hẹp, công nghệ xử lý lạc hậu nên các Công ty MTĐT cũng chỉ chuyên chở được 90% rác thải ở nội thị còn rác ở các cụm, điểm CN và vùng nông thôn chỉ thu gom được 50%. Kết quả là rác thải tại các cụm, điểm CN và làng nghề vẫn còn để chất đống, tích tụ gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với rác thải, vấn đề xử lý ô nhiễm khí thải, nước thải tại các cụm, điểm CN đang còn nhiều nan giải. Tại Điểm CN Phùng Xá (Thạch Thất) chuyên gia công, tái chế kim loại, khí thải độc hại như: CO, SO2, hơi a xít, kiềm được phát sinh từ quá trình cháy của than khi nấu kim loại, khi hàn chập, mạ và hoạt động của các xưởng rút sắt dây. Toàn bộ lượng khí thải chưa được xử lý bay vào không trung.
Đến Điểm CN Phùng Xá, không khí tưởng như vón đặc bởi mùi khó chịu của gỉ sắt, mùi hắc của hóa chất. Lượng khí thải tuy không lớn nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động và người dân xung quanh. Quá trình sản xuất đồ kim khí tại Điểm CN Phùng Xá phát sinh nước thải sau các công đoạn cán thép và mạ kẽm.
Hiện nay, tại Điểm CN Phùng Xá có 24 hộ có bể mạ kẽm. Đây là khâu sản xuất cực kỳ độc hại vì phải sử dụng hóa chất như kiềm, axít. Lượng nước thải sau quá trình mạ kẽm không nhiều nhưng có hàm lượng dầu mỡ, kim loại nặng rất lớn nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước mặt và hệ sinh thái.
Điểm CN Phùng Xá đã xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng hoạt động được thời gian đầu về sau gần như không hoạt động. Lý do khiến trạm xử lý nước thải không phát huy vai trò là do các hộ sản xuất kinh doanh không nộp tiền lệ phí nước thải để chi trả cho quá trình vận hành, mua hóa chất xử lý.
Tương tự như điểm CN Phùng Xá, trên địa bàn huyện Thanh Oai, Điểm CN Thanh Thùy rộng 9,5ha cũng tái chế và gia công kim loại thu hút 3.773 lao động làm việc với mức lương trung bình 1 triệu đồng/người/tháng. Ở đây đang ô nhiễm khá nặng bởi hơi a xít, bụi kim loại. Do chưa bố trí xây dựng trạm xử lý nước thải nên toàn bộ nước thải ô nhiễm đổ ra hệ thống mương dẫn chảy ra sông Nhuệ.
Một số kết quả khảo sát cho thấy nước thải tại Phùng Xá và Thanh Thùy có hàm lượng Pb vượt tiêu chuẩn cho phép 4 lần, Zn vượt hơn 5 lần, Fe vượt hơn 12 lần, Ni2+ vượt 8 lần. Ngoài Phùng Xá, Thanh Thùy hầu hết các điểm CN trong tỉnh như: Vạn Điểm, Duyên Thái (Thường Tín), Chàng Sơn (Thạch Thất), Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa)… không bố trí diện tích đất để xây dựng các khu xử lý chất thải. Ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường không khí, bụi, nước thải tại các cụm, điểm CN đã gây ra các bệnh về mắt, hô hấp, tiêu hóa cho nhiều người dân.
Ô nhiễm môi trường tại các cụm, điểm CN đang diễn ra và gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Trước hết ý thức của các hộ sản xuất kinh doanh về vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường chưa đầy đủ.
Khi được hỏi đa số các ý kiến đều cho rằng phải dành kinh phí để nuôi “dạ dày” trước đã. Ô nhiễm chưa thể chết ngay còn sản xuất thua lỗ thì chết ngay. Thêm nữa vấn đề xây dựng khu xử lý nước thải, khí thải tốn kém nhiều tiền vì các thiết bị khá đắt trong khi nguồn kinh phí không nhiều. Đặc biệt để xử lý nước thải thường xuyên phải sử dụng hóa chất pha trộn đắt tiền khiến nhiều hộ dân không tự nguyện đóng góp.
Vẫn biết vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và tại các cụm, điểm CN nói riêng đang còn nhiều nan giải nhưng nếu không nhanh chóng khắc phục sẽ để lại hậu quả khó lường. Kinh nghiệm của nhiều tỉnh, thành phố đi trước cho thấy phát triển CN, tiểu thủ CN quá nóng mà không chú ý đến môi trường dẫn đến hậu quả hệ sinh thái bị ô nhiễm nghiêm trọng, để khắc phục được phải tốn kém gấp nhiều lần số lợi nhuận thu được trong sản xuất CN.