Thời "hiện đại", bếp gas đã thực sự chiếm vị trí thay thế chiếc bếp than tổ ong. Song, đến thời điểm giá gas tăng đến mức chóng mặt (trên – dưới 270.000đ/bình loại 12kg), nhiều người dân đô thị đã quay lại với chiếc bếp than tổ ong. Và như thế, việc ô nhiễm môi trường khó tránh khỏi.
Nơi tập trung nhiều nhất những hộ sử dụng bếp than ở Hà Nội là khu vực ven đô và đặc biệt là những khu chung cư cũ, khu tập thể như: Khu tập thể 8-3, khu Quỳnh Mai, khu tập thể Cơ khí Trần Hưng Đạo, khu tập thể Nhà máy rượu, khu Kim Liên, Thành Công và khu cư dân lao động có thu nhập thấp… Vì vậy, phần lớn họ sử dụng bếp than tổ ong với lý do đơn giản: Chi phí thấp.
Từ đầu năm 2000, một số gia đình đã nhận thấy sự tiện ích của bếp gas và tác hại đến sức khoẻ của bếp than tổ ong nên đã thay thế chiếc bếp than tổ ong. Nhiều người nghĩ, thời kỳ bếp than tổ ong sẽ dần qua đi. Nhưng vào thời điểm này, giá gas liên tục leo thang mà đỉnh điểm là đợt tăng giá vừa qua.
Bắt đầu từ 30/11, giá gas liên tục tăng từ 234.000 lên 254.000đ/bình và nay duy trì ở mức gần 270.000đ/bình. Tình trạng tăng giá gas kèm theo mọi thứ leo thang đã khiến nhiều gia đình quay sang dùng bếp than tổ ong để giảm chi phí đun nấu mỗi ngày. Bà Nguyễn Thị Thuận – số 4 ngõ Vân Hồ 2, Hai Bà Trưng, Hà Nội – cho biết: “Mặc dù giá than tổ ong cũng tăng từ 700 đồng lên 1.100 – 1.200đ/viên, nhưng mức tăng này vẫn được người dân chấp nhận.
Chỉ cần đầu tư chiếc bếp than tốt giá từ 75.000 – 100.000 đồng, mỗi ngày sử dụng 2 viên than hết hơn 2.000 đồng (tương đương 70.000đ/tháng) là có thể dùng cả ngày. Trong khi đó sử dụng bếp gas trung bình 2 tháng hết một bình giá 270.000 đồng thì rất khó khăn cho các hộ gia đình cán bộ về hưu”.
Bà Đỗ Thị Vân – số 40 tổ 28 phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai – nói: “Tôi còn nhớ thời điểm giá gas sốt nhất vào năm 2001 cũng chưa tới 200.000đ/bình. Tình trạng này cũng chỉ kéo dài từ 15 – 30 ngày, sau đó hạ nhiệt. Đợt tăng giá gas lần này cao nhất từ trước tới nay và chưa có xu hướng giảm, nên các hộ xung quanh đây rủ nhau sử dụng lại bếp than tổ ong để giảm chi phí sinh hoạt”.
Nhu cầu sử dụng than tăng từ 30 – 35%
Cùng với việc tăng giá, nhu cầu sử dụng than tổ ong tăng mạnh, một số cơ sở sản xuất than tổ ong tăng công nhân hoặc lấy thêm mối hàng mới đủ hàng cung ứng cho nhu cầu sử dụng. Anh Nguyễn Tiến Dũng – Quán Khê, Gia Lâm, Hà Nội – cho biết: “Trước đây, cơ sở của tôi chỉ có 10 công nhân thuê và các thành viên trong gia đình, trung bình mỗi ngày làm khoảng trên – dưới 5.000 viên than. Chúng tôi cung cấp chủ yếu cho các hộ bán hàng ăn. Nhưng từ 10 ngày nay, do nhiều người đặt mua, tôi phải lấy thêm hàng từ các cơ sở lân cận mới đủ hàng để giao cho khách. Dự kiến nhu cầu sử dụng than tổ ong tăng thêm khoảng từ 30 – 35% so với trước đây”.
Không chỉ có than tiêu thụ mạnh, các cửa hàng kinh doanh, sản xuất bếp than cũng đông khách. Trước đây, các cửa hàng kinh doanh bếp than tổ ong trên phố Đại Cồ Việt và phố Hoàng Hoa Thám, Mã Mây hoạt động cầm chừng thì nay lượng hàng bán ra trong tháng 11 và đầu tháng 12 bằng cả ba tháng 8 – 9 – 10. Theo nhân viên của cơ sở sản xuất bếp than và than tổ ong sạch Hoàng Thương: “Lượng bếp than và cả than tổ ong sạch bán ra đều tăng, đặc biệt từ khi giá gas liên tục thay đổi”.
Giải pháp sử dụng lại chiếc bếp than đang được nhiều người dân Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, đó là giải pháp trước mắt để giảm chi phí sinh hoạt cho người dân. Song những khu tập thể, chung cư cũ cần có giải pháp để đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ cho cả khu vực, khi mà số lượng người sử dụng bếp than tổ ong tăng, thì tình trạng ô nhiễm cũng tăng theo.