Nhiều tháng nay, làng Thủy Lợi 2, Sơn Đông, Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội và các khu vực dân cư lân cận phải sống chung với tiếng ồn và bầu không khí ô nhiễm nặng do khói, bụi từ các cơ sở sản xuất thép nằm sát khu dân cư thải ra.
Lo sợ bệnh tật, người dân đã nhiều lần trực tiếp kiến nghị với chính quyền địa phương để yêu cầu các cơ sở sản xuất thép di dời đến địa điểm khác, xa khu vực dân cư, hoặc có các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng nhiều tháng đã trôi qua, đến nay nguyện vọng chính đáng của họ vẫn chưa được giải quyết…
Về làng Thủy Lợi 2 để tìm hiểu tình hình thực tế, khoảng 10 giờ sáng, cả làng Thủy Lợi 2 và khu vực chợ gần kề vẫn chìm trong một bầu không khí ngột ngạt, khét lẹt và khó thở đến tức ngực.
Theo những người dân khu vực, “nguồn” gây ra bầu không khí ô nhiễm ấy là xưởng sản xuất thép của hai Công ty TNHH thép An Khánh và Công ty TNHH Thương mại thép Tuyến Năng. Nằm cách làng Thủy Lợi 2 một bức tường, mỗi khi lò nung thép bên “hàng xóm” hoạt động là tất cả hộ dân xung quanh phải sống chung với tiếng ồn, bụi và khói mù mịt.
Thông thường, giờ hoạt động của cơ sở cán thép này kéo dài từ 10h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Khi đó, cả làng Thủy Lợi 2 chìm trong một màn khói đen đặc quánh. Khói bay là là trên mặt đất, “bò” xuống đường rồi cứ thế xộc thẳng vào từng nhà.
Ban ngày, khu chợ và dãy hàng ăn cạnh khu vực sản xuất vốn đông đúc, nhộn nhịp là thế nhưng ban đêm, nhà nào nhà nấy đều cửa đóng then cài, cả đoạn đường vắng lặng.
Chị Nguyễn Thị Lý, chủ quán giải khát ven đường bức xúc nói: Từ khi mấy lò nung và cán thép thải ra chất khí thải độc hại, từ sáng đến tối cả nhà tôi mỗi người đều phải kè kè chiếc khẩu trang, kể cả lúc trèo lên giường ngủ. Mùa hè cũng như mùa đông, cứ mười giờ đêm là phải đóng tất cả cửa sổ, cửa chính rồi “cố thủ” trong nhà, chẳng ai dám đi đâu vì ngoài đường mờ mịt như đi trong sương mù, đứng cách nhau vài mét còn không nhìn rõ mặt…
Anh Vũ Xuân Đông, chủ quán phở gần đó cũng than thở: Tối nào, trước khi đóng cửa quán, vợ chồng tôi cũng lau chùi, quét dọn bàn ghế, nhà cửa sạch sẽ, nhưng sáng sớm hôm sau tất cả đồ đạc đều đen xì vì bụi than.
Do hàng ngày phải hít thở không khí ô nhiễm nên nhiều người dân ở làng Thủy Lợi 2, phần đông là người già và trẻ em bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Bà con chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, thậm chí đến tận nhà cán bộ thôn, xã để phản ánh, yêu cầu cho di dời các cơ sở sản xuất thép ra xa khu vực dân cư hoặc buộc đơn vị sản xuất phải có biện pháp bảo vệ môi trường, nhưng mọi chuyện vẫn đâu đóng đấy…
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Quang Thực – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Minh cho biết, cách đây hơn 10 năm, Công ty cổ phần Thủy lợi 2 đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH thép An Khánh và Công ty TNHH Thương mại thép Tuyến Năng, Công ty Mô tô Việt Nam… thuê một khu đất nằm liền kề với khu dân cư làm nhà xưởng sản xuất.
Trước đây, việc sản xuất của các đơn vị này không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, khoảng vài tháng gần đây, để giảm chi phí sản xuất, Công ty TNHH Thương mại thép Tuyến Năng đã chuyển từ nung, đốt thép bằng điện sang nung đốt bằng dầu thải và than.
Do hệ thống ống khói của Công ty này nằm quá thấp, nhà xưởng chỉ được xây dựng sơ sài nên mỗi khi lò nấu thép hoạt động đều gây ra tiếng ồn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ông Thực còn cho biết, để giải quyết những bức xúc của người dân, cuối tháng 10 vừa qua, UBND xã Tân Minh đã tổ chức cuộc họp với đại diện Công ty TNHH Thương mại thép Tuyến Năng, yêu cầu công ty phải có biện pháp bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt cho các hộ dân xung quanh khu vực sản xuất.
Phía lãnh đạo Công ty đã cam kết sẽ cải tạo lại hệ thống ống khói, nhà xưởng trong vòng 15 ngày, nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ.
Qua thực tế và trực tiếp nghe, nhìn những gì đang diễn ra xung quanh khu công nghiệp An Khánh, phần nào chúng tôi đã cảm nhận được nỗi khổ của người dân nơi đây.