Thấy được lợi ích, cộng đồng sẽ cùng bảo vệ môi trường

"Bảo vệ rừng mà chỉ có kiểm lâm không thôi thì không có hiệu quả. Chỉ khi huy động được cộng đồng, mà nhất là người dân cùng thấy được lợi ích của mình thì mới có thể bảo vệ môi trường được…"

Trên đây là ý kiến của giới khoa học tại Hội thảo Kết nối các sáng kiến cộng đồng trong bảo vệ môi trường (BVMT) tổ chức tại Hà Nội mới đây.

Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất, BVMT không phải của riêng ai, không chỉ dừng ở việc ban hành pháp luật của Nhà nước mà còn cần phải được thực hiện từ dưới lên, từ chính những người dân.

Theo GS Hồ Uy Liêm (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), việc BVMT phải có lợi cho dân, phải gắn liền với sinh kế của dân thì dân mới bảo vệ. Nhà nước tạo ra đầy đủ luật lệ nhưng nếu không có người dân tham gia thì việc BVMT không… ăn thua!

Điều này cũng ví như rừng chỉ có kiểm lâm bảo vệ không thôi thì chưa thật hiệu quả mà còn cần phải có sự tham gia của cộng đồng.

Tuy nhiên, cộng đồng ở đây không chỉ là người dân mà cả tầng lớp ’’quan’’ – những người nghĩ ra cách sáng tạo ra của cải nhưng ít khi chú trọng đến việc sau đó là bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, nhiều quan chức chưa hiểu sâu sắc, thậm chí còn hiểu lơ mơ về công tác BVMT.

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Việt Nam, GS Võ Quý cho rằng, hiện chưa có được những biện pháp hữu hiệu để giảm sức ép lên tài nguyên. Xung quanh rừng có nhiều người sinh sống, phụ thuộc vào rừng, đa số nghèo đói, thường xuyên xâm nhập vào rừng kể cả các khu bảo tồn để khai thác trộm tài nguyên nhưng không kiểm soát được.

Nếu người dân sinh sống trong rừng hay quanh rừng mà không được chia sẻ quyền lợi, không được nâng cao cuộc sống, không hiểu biết về tầm quan trọng của rừng, không chia sẻ trách nhiệm chăm sóc bảo vệ rừng thì sức ép của dân lên rừng càng gay gắt, dẫn đến sự thất bại về bảo tồn.

Theo GS Quý, kinh nghiệm thực hiện các dự án liên quan đến môi trường cho thấy mức độ tham gia của cộng đồng tỷ lệ thuận với kết quả thu được. Nhân dân địa phương có quyền xác định vấn đề của họ, tham gia trực tiếp vào công việc thực thi dự án và được hưởng lợi từ dự án. Để đạt được kết quả mong muốn, các dự án phải được thực hiện cùng với dân, chứ không phải ban phát cho dân.

Đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), ông Bernard O’callaghan cũng đưa ra ý kiến, Việt Nam với hơn 3.200km bờ biển, một nửa đất nước có đồng bằng châu thổ cao nhất thế giới, trong khi đó, dự báo trong vòng 100 năm nước biển sẽ dâng thêm 80cm và hải lưu sẽ làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu người dân Việt Nam đang sống dựa vào biển.

Vì vậy, theo ông Bernard O’callaghan, việc nâng cao nhận thức cộng đồng giúp người dân hiểu được tác động, thích nghi và ứng phó với tác động biến đổi khí hậu, phải được thực hiện ngay từ cấp địa phương.