ThienNhien.Net – Tân Thủ tướng Úc Kevin Rudd tuyên bố Úc sẽ ký Nghị định thư Kyoto. Chuyển biến này của Úc khiến Mỹ giờ đây bị cô lập, trở thành quốc gia phát triển duy nhất phản đối Kyoto, đi ngược thiện chí chung của toàn nhân loại.
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu
Hội nghị Bali: Kêu gọi hành động khẩn cấp
Có thể coi đây là một trong những bước tiến lớn của Úc, một trong những quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới, đồng thời có lượng phát thải khí nhà kính trung bình đầu người thuộc hàng cao nhất nhưng đã “quay lưng” với Nghị đinh thư Kyoto trong suốt những năm qua.
Phát biểu về vị thế của mình sau tuyên bố mới của Úc, Harlan L Watson, đại diện của Mỹ nói: “Chúng tôi tới đây không phải để trở thành một ba-ri-e. Chúng tôi hướng đến một kết quả thành công và sẽ làm việc trên tinh thần xây dựng hợp tác để đạt được mục tiêu đó.”
Tuy nhiên, dù Mỹ có nói gì thì giờ đây họ vẫn là nước phát triển duy nhất phản đối các quy định về cắt giảm phát thải khí nhà kính, trong khi EU cũng đã cam kết đến năm 2020 sẽ cắt giảm 20% lượng khí thải so với năm 1990.
Tại hội nghị lần này, vấn đề đặt ra đối với các đoàn đại biểu tham dự hội nghị Bali khá nặng nề, bao gồm việc đàm phán về các quy định cắt giảm phát thải và sự phân chia tỉ lệ cắt giảm phát thải giữa các nước giàu và nghèo. Ngoài ra, hội nghị cũng ưu tiên thảo luận về các cơ chế ngăn chặn nạn phá rừng và phá hủy các vùng đất than bùn, hai yếu tố đóng góp khoảng 20% vào tổng lượng phát thải toàn cầu hàng năm.
Angela Anderson, đại diện tổ chức Hoa Kỳ National Environmental Trust phát biểu: “Các thỏa thuận chung về sự thích nghi, phá rừng và hợp tác công nghệ cần phải được giải quyết trước khi cuộc gặp của các quan chức cấp cao diễn ra vào tuần tới. Mặc dù các nước đã thống nhất về mặt nguyên tắc nhưng vẫn có những bất đồng quan điểm khi thảo luận chi tiết. Vì vậy, những khó khăn thách thức vẫn đang còn ở phía trước”.
Các đại biểu tham dự hội nghị đều nhận thức được rằng mọi thỏa thuận chung đều cần sự chấp thuận của Washington. Hiện nay, tuy tổng thống Bush vẫn phản đối các quy định ràng buộc Mỹ thực hiện việc cắt giảm nhưng bên lề hội nghị đã có những ý kiến đổi chiều.
Alden Meyer, đại diện Hội liên hiệp các nhà khoa học chuyên ngành nhận xét “Bất chấp những thất bại của đương kim tổng thống trong việc thực hiện các chương trình hành động chống biến đổi khí hậu, bối cảnh chính trị Mỹ đang thay đổi rõ rệt theo hướng chấp thuận các quy định về phát thải gây hiệu ứng nhà kính”.