ThienNhien.Net – Một bản báo cáo khoa học gần đây cảnh báo rằng : Hơn một nửa rừng mưa nhiệt đới Amazon sẽ bị tàn phá nặng nề hoặc có thể biến mất vào năm 2030 do biến đổi khí hậu và nạn chặt phá rừng đang hoành hành. Bên cạnh đó, việc người dân địa phương phát quang rừng để canh tác và chăn nuôi sẽ giải phóng gần 100 tấn CO2 – tương đương với tổng lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu trong vòng hơn 2 năm.
Báo cáo “Vòng tuần hoàn liên tục của Amazon: Hạn hán và hỏa hoạn trong nhà kính” của WWF đã được công bố cùng lúc với lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh Bali về biến đồi khí hậu. Báo cáo này cảnh báo tương lai của Amazon đang trong tình trạng “nằm trên lưỡi dao” và nếu việc đốn gỗ và phát triển nông trại được phép tiếp tục mà không có sự quản lý thì sẽ dẫn tới việc gia tăng liên tục nạn đốn gỗ và cháy rừng – nguyên nhân đang làm giảm lượng mưa một cách nhanh chóng.
Dan Néptad, một chuyên gia khoa học của Trung tâm nghiên cứu Wood Holes tại Massachusetts đồng thời là tác giả của báo cáo phát biểu: “Tầm quan trọng của rừng Amazon đối với khí hậu thế giới có thể đã bị xem nhẹ. Nó không chỉ cần thiết cho việc làm giảm bớt nhiệt độ của thế giới mà còn là một nguồn nước ngọt lớn đến mức có thể tác động đến một vài đại dương lớn hiện nay và cũng là một trong những nơi dự trữ cacbon khổng lồ của thế giới”.
Báo cáo còn khẳng định rằng những thay đổi ở Amazon đang tiến xa hơn những điều được dự đoán trước đây và điều này sẽ dẫn tới sự thoái hóa và biến động trên diện rộng trong vòng 15 – 25 năm tới. Điểm cực đoan sinh thái có thể sẽ xảy ra khi các nhân tố này kết hợp nhau khiến các khu rừng nguyên sinh dễ bị cháy. Hậu quả là mất đa dạng sinh học và cơ hội bảo tồn khu rừng này cũng giảm đi.
Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra ở những khu vực sinh thái quan trọng của Amazon, chẳng hạn như rừng Maranhão babaçu, thì rừng khô Maranhão và các khu rừng rậm của Bolivia sẽ bị mất và nhiều loài động vật, bao gồm cả linh trưởng, sẽ bị mất khoảng 80% môi trường sống trong vòng một vài thập niên tới.
Báo cáo kêu gọi cần xây dựng một chiến lược bảo tồn để giúp Amazon tránh bị rơi vào điểm cực đoan và có thể hồi phục nhanh chóng. Đồng thời cũng đưa ra đánh giá lạc quan rằng nếu các nhà hoạch định xây dựng được các chính sách hiệu quả và bảo vệ tốt Amazon thì khu rừng này sẽ nhanh chóng khép tán trở lại và ổn định lượng mưa trong vòng 15 năm tới. Một trong những giải pháp hứa hẹn để bảo tồn rừng Amazon trên qui mô rộng là đền bù các nước nhiệt đới về việc giảm phát thải khí giữ nhiệt từ các khu rừng nhiệt đới của họ.
Amazon vốn được xem là một trong những tác nhân chính giúp ổn định khí hậu toàn cầu. Do đó, sự biến động của nó có thể gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đặc biệt là tác động đến lượng mưa của nhiều khu vực trên thế giới. Một số mô hình chỉ ra rằng lượng mưa có thể suy giảm ở Ấn Độ và khu vực Trung Mỹ và điều này có thể diễn ra trong suốt mùa vụ trên khắp vành đai lương thực của Brazil và Mỹ.