Các nhà khoa học Mỹ vừa phát triển một loại pin nhiên liệu mới sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ các mỏ than và kim loại để phát điện. Phát minh này được coi là rất hữu dụng vì cùng lúc vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tạo thêm nguồn năng lượng mới.
Theo nhà khoa học Bruce Logan thuộc trường Đại học bang Pennsylvania (Pennsylvania State University) cùng các đồng sự, nguồn nước thải tại các mỏ than và kim loại (gọi tắt là AMD) bị ô nhiễm nặng do chứa nhiều acid, kim loại, đặc biệt là sắt. Do đó nó có thể đe dọa sự phát triển của cây cối, động vật cũng như sự an toàn của hệ thống nước sạch. Tuy nhiên, việc xử lý, làm sạch nguồn nước thải này lại rất khó khăn, tốn kém.
Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã chế tạo một loại pin nhiên liệu mới dựa trên nguyên lý pin nhiên liệu hoạt động nhờ vi khuẩn có khả năng phát điện từ nước thải. Ứng dụng này đã minh chứng khả năng loại bỏ sắt khỏi nguồn nước, đồng thời lại tạo ra điện tương đương như pin nhiên nhờ vi khuẩn thông thường.
Các nhà khoa học cho rằng những cải tiến trong pin nhiên liệu sẽ dẫn tới việc sản sinh nhiều điện hơn trong tương lai. Trong khi đó, sắt thu hồi được từ quá trình xử lý AMD có thể được sử dụng làm nguyên liệu tạo màu cho sơn và các sản phẩm khác.