Theo đánh giá của Ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hiệp quốc, Việt Nam và Bangladesh là hai nước chịu thiệt hại nặng nề nhất do nước biển dâng vì tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở TP.HCM, tình trạng ngập lụt do triều cường ngày càng tăng cao, mức ngập ngày càng sâu và lan rộng từ mấy năm nay, ngoài lý do đô thị hóa, còn là hậu quả của nước biển dâng. Việc “phục hồi rừng ngập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển bền vững” ngày càng trở nên cấp thiết giữa bối cảnh ấy.
Rừng ngập mặn giúp giảm 50% – 90% năng lượng của sóng thần
Ai cũng biết vai trò của rừng ngập mặn (RNM) trong việc bảo vệ môi trường, là “lá phổi xanh” rất quan trọng đối với các thành phố, nhưng vai trò của RNM còn nhiều hơn, nó còn như những “bức tường xanh” có tác dụng phòng hộ trước gió và sóng biển.
Nhiều cơn bão lớn đổ bộ vào nước ta những năm qua, nơi nào RNM được trồng và bảo vệ tốt thì các đê biển vùng đó vẫn vững vàng trước sóng gió lớn, dù là đê biển được đắp từ đất nện, trong khi những tuyến đê biển được xây dựng kiên cố bằng bê tông hoặc kè đá nhưng RNM bị chặt phá để chuyển sang nuôi tôm như Cát Hải (Hải Phòng), Hậu Lộc (Thanh Hóa) thì bị tan vỡ.
Theo nhóm khảo sát của GS-TSKH Phan Nguyên Hồng (Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái RNM, ĐH Sư phạm Hà Nội), độ cao sóng biển giảm mạnh khi đi qua dải RNM, với mức biến đổi từ 75% đến 85%, từ 1,3m xuống 0,2m – 0,3m.
Tương tự, đợt sóng thần khủng khiếp ngày 26/12/2004, hơn 2 triệu người ở 13 quốc gia châu Á và châu Phi bị thiệt mạng, môi trường bị tàn phá nặng nề, nhưng kết quả khảo sát của IUCN (Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới) và UNEP (Chương trình Môi trường thế giới) cùng các nhà khoa học cho thấy, những làng xóm ở phía sau “bức tường xanh” RNM với băng rừng rộng gần như còn nguyên vẹn vì năng lượng sóng đã được giảm từ 50% đến 90%, nên thiệt hại về người rất thấp hoặc không bị tổn thất… RNM ở Ấn Độ, khoảng từ làng xóm ra bờ biển 1 km, so với nơi không có rừng thiệt hại giảm 50% – 80%. Ở Phuket (Thái Lan) cũng vậy.
Diện tích RNM từ 400.000 ha xuống còn 279.000 ha
Theo tiến sĩ Vũ Văn Triệu, Trưởng đại diện IUCN tại Việt Nam, RNM là hệ sinh thái đặc biệt, có giá trị và ý nghĩa to lớn về đa dạng sinh học đối với việc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng, RNM của nước ta đứng trước nguy cơ bị khai thác quá mức để phục vụ phát triển
kinh tế – xã hội, dẫn tới bị tàn phá nặng nề.
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 1943 diện tích RNM Việt Nam trên 400.000 ha, đến năm 1996 giảm còn 290.000 ha và 279.000 ha vào năm 2006.
Những hạn chế bộc lộ thời gian qua trong quản lý và sử dụng RNM là nhận thức xã hội còn thấp, ngay cả việc nghiên cứu khoa học cũng chưa tương xứng, quản lý chưa thống nhất.
Vì vậy, nếu không gắn kết giữa hệ sinh thái RNM với việc phát triển bền vững, sẽ khó có thể tiếp tục giữ diện tích rừng hiện có nhằm giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ NN – PTNT đang dự thảo kế hoạch phục hồi RNM cả nước đến năm 2015 với kinh phí là 1.900 tỷ đồng và bài toán đặt ra là cần có giải pháp gì để khôi phục, bảo vệ và lượng giá về giá trị RNM đối với các tỉnh ven biển.
Theo GS Nguyễn Mạnh Trí, Tổng thư ký Ủy ban MAB VN (Chương trình con người và sinh quyển) có 3 giải pháp chính: Nâng cao nhận thức người dân – không ở mức bình thường mà là báo động – về tác hại của việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Cộng đồng dân cư cùng tham gia trồng rừng, thay vì chỉ có nhà nước.
Và sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lý tạo ra kịch bản những nguy cơ có thể xảy ra để tính toán trước những thiệt hại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và đời sống xã hội nếu thiếu RNM.