Sau cơn lũ, chúng tôi hành trình dọc theo các bờ sông lớn ở Quảng Ngãi và tận mắt chứng kiến nhiều khúc sông bị sạt lở rất nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân. Quy luật tự nhiên "bên lở, bên bồi” ở các dòng sông đang bị "biến dạng" vì nạn khai thác cát, sạn diễn ra quá bừa bãi…
Đi tìm “thủ phạm”.
Chúng tôi có mặt tại bãi cát Trường Xuân, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà sau một cơn lũ lớn vừa dứt. Hiện ra trước mắt chúng tôi có đến hơn 30 chiếc xe tải lớn nhỏ, tấp nập nối đuôi nhau chờ lấy cát chở đi bán. Đơn vị được cấp phép khai thác cát ở đây là doanh nghiệp tư nhân Ngọc Đá.
Điều ngạc nhiên là hiện nay đang vào mùa lũ lụt, nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên khai thác giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không thấy có sự ngăn cản nào của các ngành chức năng, hay chính quyền địa phương!
Chị Trần Thị Hương, một người dân ở đây bức xúc: “Khai thác cát ở đây sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của chúng tôi, vì gây ra nạn sạt lở bờ sông ở xóm Vạn (cách điểm khai thác cát chừng trên 100m). Nếu không tin các anh hãy lên đó mà xem, nhà cửa chúng tôi gần đổ xuống sông rồi! “.
Quả thật! Tận mắt nhìn thấy tình trạng sạt lở bờ sông ở xóm Vạn sau cơn lũ rút, chúng tôi thấy rùng mình. Nhiều bụi tre đã bị nước cuốn trôi mất dạng. Nước lũ còn ngoạm sâu vào trong bờ gần cả chục mét. Cụ Nguyễn Thưởng (92 tuổi) sống lâu năm ở đây cho biết, trước đây khi chưa khai thác cát thì nạn sạt lở không diễn ra nghiêm trọng như hiện nay. Bởi có những bụi tre, cồn cát bồi lắng đã ngăn bớt dòng chảy. Nhưng nay cứ có lũ thì nước chảy xiết mạnh, cuốn phăng đi tất cả. Những căn nhà nằm sát bờ sông đang có nguy cơ sẽ bị xoá sổ ngay trong mùa mưa lũ năm nay.
Bãi cát Trường Xuân còn là nơi mưu sinh của cả trăm hộ dân ở thôn Thọ Lộc, với nghề làm giá đậu, nên lấy hết cát họ sẽ mất việc làm. Nhiều lần người dân ở đây kéo cả làng ra chặn xe, ngăn cản không cho xúc cát, nhưng không được!
Rời bãi cát Trường Xuân, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu ở một số khu làng dân cư ven sông Trà Khúc từ các xã Tịnh Sơn, Tịnh Hà, xuống Tịnh An, Tịnh Long (Sơn Tịnh) và Nghĩa Dõng (thành phố Quảng Ngãi). Qua thực tế cho thấy, có nhiều vùng đang phải đối mặt với nguy cơ sạt lở rất nghiêm trọng! Một số làng ven sông có nguy cơ bị “xóa sổ” ngay trong mùa mưa, lũ năm nay.
Nhiều người dân sở tại cho biết, một trong những “thủ phạm” chính gây nên vấn nạn sạt lở là tình trạng khai thác cát bừa bãi, vô tội vạ của một số doanh nghiệp tư nhân theo kiểu tận thu, làm thay đổi dòng chảy. Riêng trên hai con sông Trà Bồng và sông Vệ thì nạn sạt lở xảy ra ít hơn, không biết liệu có phải do việc khai thác cát đã bị người dân ngăn chặn!
Chính quyền địa phương và ngành chức năng nói gì?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ cuối năm 2006 đến nay, trên ba con sông lớn là Trà Khúc, Trà Bồng và Sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi đã cấp phép khai thác cát tại 14 điểm.
Cụ thể, trên sông Trà Bồng có 4 điểm, thuộc các xã Bình Trung, Bình Mỹ, Bình Minh, Bình Chương (Bình Sơn); sông Vệ có 2 điểm, thuộc các xã Đức Nhuận (Mộ Đức) và Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa); sông Trà Khúc có 8 điểm, tập trung nhiều nhất là ở huyện Sơn Tịnh (5 điểm); thành phố Quảng Ngãi (2 điểm) và Tư Nghĩa (1 điểm), ngoài ra còn có nhiều điểm do các địa phương “bật đèn xanh” cho khai thác.
Trong khi việc khai thác cát trên sông Trà Bồng và sông Vệ vấp phải sự cản trở của người dân địa phương, thì tại sông Trà Khúc hoạt động khai thác cát diễn ra hết sức ồ ạt. Thậm chí một số DN còn khai thác cả ngày lẫn đêm, khai thác vượt mốc giới quy định và khối lượng cho phép, dẫn đến nguy cơ làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông.
Mặt khác, tình trạng lái xe phóng nhanh, vượt ẩu để tăng chuyến và chở cát quá tải làm rơi vãi trên đường gây ô nhiễm môi trường cũng thường xuyên diễn ra, gây bức xúc trong nhân dân. Phần lớn người dân khi tiếp xúc với chúng tôi đều cho rằng, việc khai thác cát là có nguy cơ gây sạt lở.
Đặc biệt nhiều hộ dân ở xóm Vạn, thôn Thọ Lộc (Tịnh Hà) rất bất bình việc DNTN Ngọc Đá khai thác cát ngay cả trong mùa lũ lụt. Tuy nhiên, về phía chính quyền địa phương và một số ngành chức năng liên quan thì khẳng định là khai thác cát không gây sạt lở. Ông Đỗ Mẹo- Chủ tịch UBND xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cho hay, trong đợt lũ mới đây cả xã có trên 400 hộ bị ngập nước, nhưng việc sạt lở thì không có gì!
Riêng điểm khai thác cát của DNTN Ngọc Đá, ban đầu tỉnh đình chỉ không cho khai thác trong mùa lũ, nhưng sau đó lại cho khai thác(?)
Theo một số cán bộ ngành tài nguyên& môi trường tỉnh, trước khi cấp giấy phép khai thác cát ở các địa điểm, Sở TN&MT đã phối hợp với các địa phương, kiểm tra xác định mức độ ảnh hưởng đến tình trạng sạt lở bờ sông, nên tất cả các vị trí, diện tích khai thác đều đảm bảo. Ngoài ra việc khai thác cát còn mang tính khơi thông dòng chảy, tránh sạt lở cho bờ đối diện.
Còn chuyện các DN được cấp phép nhưng không khai thác được, nhất là ở các xã Đức Nhuận (Mộ Đức) và Bình Chương, Bình Mỹ (Bình Sơn) là vì những nơi ấy có tình trạng dân tự ý khai thác cát thủ công. Khi DN đem phương tiện cơ giới đến, người dân sợ mất đi cái “cần câu cơm” của họ nên họ ngăn cản, mặc dù cán bộ ngành TN&MT hay chính quyền địa phương đến giải thích theo góc độ “khoa học” dân vẫn không nghe. Thậm chí còn có trường hợp người cha đi phản ánh với HĐND về nạn khai thác cát, trong khi con ở nhà lại lén đi xúc cát bán…
Được biết, để không làm ảnh hưởng đến dòng chảy của các dòng sông trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão 2007, cũng như nhu cầu cát làm vật liệu xây dựng trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và các ngành liên quan, kiểm tra thực tế để quyết định: “Vị trí nào khi khai thác có nguy cơ đến dòng chảy và sạt lở bờ sông trong mùa mưa lũ thì kiên quyết tạm dừng khai thác đến khi hết lũ. Vị trí nào khi khai thác mà không ảnh hưởng dòng chảy và sạt lở bờ sông thì tiếp tục khai thác nhưng cường độ giảm hơn so với bình thường”. Sự chỉ đạo của tỉnh là cương quyết. Còn việc chấp hành của chính quyền địa phương và các ngành chức năng thì chưa rõ đến đâu!