Từ ngày 30/11, một nhà máy lọc nước thải công nghệ mới trị giá 481 triệu USD, có tên "Hệ thống bổ sung nước ngầm" (GRS) bắt đầu hoạt động ở quận Cam, bang California (Mỹ), mỗi ngày lọc khoảng 265.000m³ nước thải.
Vượt tiêu chuẩn nước sạch
Kiểu tái chế nước thải gọi là “trực tiếp tái sử dụng nước” – tức nước đã lọc chảy thẳng đến vòi trong nhà, vốn là cách làm lâu nay rất tốn kém lại gây nhiều lo ngại về sức khỏe nên chính quyền bang đã cấm.
GRS theo công nghệ “gián tiếp tái sử dụng nước sạch” như sau: nước thải đã qua xử lý được bơm xuống lòng đất, với một nửa có nhiệm vụ tạo thành một rào chắn không cho nước biển thẩm thấu vào nguồn nước ngầm, nửa còn lại dần “chui” vào những tầng ngầm nước rồi lại được bơm lên để phục vụ cho 2,3 triệu cư dân của quận.
Nhà máy GRS là một “mê cung” bình chứa và ống nối. Đầu tiên, nước thải chảy qua những màng lọc để loại bỏ chất rắn, rồi qua các màng lọc nhỏ hơn trước khi được làm sạch bằng thuốc khử trùng và tia cực tím, nhằm loại bỏ hẳn mọi chất gây ung thư và hóa chất có thể còn tồn đọng. Kết quả là nước rất sạch, giá thành ngang giá mua sỉ nước uống.
Theo các chuyên gia, GRS là “nhà máy lọc nước thải lớn nhất thế giới” theo công nghệ này. Họ hy vọng đây sẽ là mô hình cho nhiều nơi trên thế giới noi theo để đối phó nạn hạn hán triền miên, thiếu nguồn nước uống. Tại quận Cam, vào năm 2020 dự báo tăng khoảng nửa triệu dân nên cần dự trữ thật nhiều nước sạch trong bối cảnh nước uống ngày càng thiếu.
Nhiều nơi muốn làm theo
Tuy nhiên cũng có người phản đối giải pháp này vì cho rằng tiến trình lọc không loại bỏ tất cả chất gây ô nhiễm nhưng công nghệ “gián tiếp tái sử dụng nước sạch” được nhiều thành phố ở Mỹ và nhiều nước chú ý. GRS đã đón nhiều Giám đốc Sở cấp nước trên thế giới đến tham quan, học tập.
Hội đồng hành chính San Diego hồi tháng 10 đề xuất một dự án có thể tốn 10 triệu USD, nhằm tăng nguồn nước sạch dự trữ từ nguồn nước thải. Thị trưởng Jerry Sanders bác bỏ với lý do tốn kém và chưa được người dân chấp nhận. Tuy nhiên, hội đồng vẫn quyết định đầu tháng 12 tới sẽ nêu lại dự án này.
Hiện San Diego phải nhập khẩu khoảng 85% nguồn nước sạch sử dụng do không có nhiều tầng nước ngầm. Năm nay chính quyền phải kêu gọi dân địa phương tiết kiệm nước. Nhân viên quản lý nước ở vùng San Jose hồi tháng 9 cũng cho biết đang nghiên cứu khả năng sử dụng nguồn nước tái chế.
Đồng nghiệp của họ ở Nam Florida trong tháng 11 này cũng đã thông qua kế hoạch tận dụng nguồn nước tái chế trong những năm tới nhằm dự trữ nguồn nước sạch. Các nhà quy hoạch ở bang Texas cũng đánh giá cao tiến trình lọc nước thải thành nước sạch này.