Thiennhien.net – Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu đã chính thức khai mạc tại Bali, Indonesia với sự góp mặt của 189 quốc gia trên thế giới, dự kiến kéo dài từ ngày 3-14/12/2007. Đây là hội nghị thượng đỉnh thường niên mới nhất về biến đổi khí hậu do Liên Hợp Quốc tổ chức và là hội nghị quan trọng nhất kể từ đàm phán Kyoto năm 1997.
Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: trách nhiệm của các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển trong vấn đề biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu cắt giảm khí nhà kính (dự kiến là 30% vào năm 2020 và 60-80% vào năm 2050 đối với các nước phát triển), hỗ trợ các nước đang phát triển và các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu và xem xét việc xây dựng một cơ chế chung.
Ashok Sinha, đại diện của nhóm Ngăn chặn sự hỗn loạn biến đổi khí hậu phát biểu: “Việc xây dựng các thoả thuận mới về biến đổi khí hậu sẽ mất nhiều thời gian, và nếu năm tới mới thực hiện đã là quá muộn. Các chính phủ cần nhận thấy rằng 20C là ngưỡng tăng nhiệt độ tới hạn được đưa ra để điều chỉnh các chính sách và luật pháp về việc giảm thiểu CO2 trên toàn thế giới”.
Tác động tới lượng phát thải khí nhà kính từ các hoạt động thương mại và vận tải du lịch là một trong 8 điểm mà các nhà đàm phán Anh và Châu muốn hướng tới ở hội nghị này để đạt được sự thống nhất về một hiệp ước toàn cầu thay thế cho nghị định thư Kyoto sắp mãn hạn vào năm 2012. Mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng họ sẵn sàng kí vào bất kì hiệp ước nào được áp dụng cho tất cả các quốc gia nhưng thực tế cho thấy chưa thể chắc chắn rằng Mỹ sẽ ký cam kết tại Bali hay cố gắng tiếp tục trì hoãn.
Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển mà đại diện là 5 quốc gia lớn Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia và Mexico nhấn mạnh rằng các quốc gia phát triển phải chịu trách nhiệm chính cho vấn đề biến đổi khí hậu và cần chỉ ra phương hướng, các ngưỡng cũng như thời hạn cụ thể nhằm giảm sự phát thải và những quốc gia này sẽ không đồng ý bất kì điều gì gây nguy hại đến sự phát triển kinh tế của họ.
Hội nghị này cũng hướng đến tìm giải pháp để ngăn chặn nạn phá rừng- được cho là hoạt động phát thải nhiều khí nhà kính hơn là các hoạt động giao thông vận tải toàn cầu. Các dự án trồng rừng đã được cho phép thực hiện trong nghị định thư Kyoto, song câu hỏi về ngăn chặn nạn phá rừng vẫn chưa có lời giải đáp
Một tiểu điểm khác được đề cập đến là các nước giàu sẽ chi trả bao nhiêu để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với các tác động biến đổi khí hậu. Báo cáo cuối tháng trước chỉ ra rằng hàng trăm triệu bảng Anh như cam kết năm 2001 vẫn chưa được thực hiện.