TS Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, kết quả kiểm tra ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy sẽ được công bố cuối tháng 12 tới. Những cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tại khu vực này sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất.
Hiện, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đang tiến hành kiểm tra, thanh tra tình hình ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy. Đây là đợt kiểm tra toàn diện lần thứ 2 của Bộ tại lưu vực sông nổi tiếng ô nhiễm và đang có nguy cơ bị ”khai tử” này.
Đối tượng kiểm tra là các làng nghề có đặc điểm về sản xuất mùa vụ, phân tán đa ngành, sản lượng lớn… vốn lâu nay khó kiểm soát. Cụ thể, Bộ chỉ đạo các địa phương chọn ra 7 loại hình làng nghề có đặc thù ô nhiễm nghiêm trọng nhất (như luyện kim, chế biến thực phẩm, sản xuất giấy…) để tiến hành kiểm tra.
Việc kiểm tra sẽ được thực hiện đến từng hộ, từng cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ ô nhiễm của làng nghề đến mức như thế nào, quy mô độ vi phạm đến đâu. Qua đó, có biện pháp xử phạt nghiêm cũng như có chính sách hỗ trợ hợp lý.
TS Hà cho biết, mức xử lý mạnh nhất là đình chỉ một phần hoặc toàn bộ quy trình sản xuất của cơ sở gây ô nhiễm, đặc biệt là đối với những cơ sở tiếp tục gây ô nhiễm trong đợt kiểm tra lần thứ 2 này.
Theo thống kê gần đây, trong phạm vi sông Nhuệ – Đáy có tới 700 nguồn thải công nghiệp, làng nghề, bệnh viện và sinh hoạt. Đây là nguồn gây ô nhiễm chính cho sông Nhuệ và sông Đáy.
Mỗi ngày hệ thống sông Nhuệ – Đáy phải tiếp nhận khoảng 800.000 m3 nước thải sinh hoạt. Riêng Hà Nội thải ra khoảng 400.000m3 vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt. Nguồn nước từ Hà Nội xả vào sông Nhuệ được coi là một trong những nguồn gây ô nhiễm lớn nhất.