Nhà chị Thọ ở giữa thôn Cao Hạ (Đức Giang, Hoài Đức, Hà Tây), khang trang và rộng rãi. Nhưng lò bún đã từ đó ra được tiền xây ngôi nhà to gần nhất làng ấy chỉ là một góc sân hẹp không che chắn. Bột làm bún ngâm vào những chiếc thùng nhựa cáu bẩn, rêu mốc.
Trong nhà là bún cùng ruồi!
Về thôn Cao Hạ cuối tháng 11, sau khi các đoàn kiểm tra, và mới nhất là Cục An toàn vệ sinh thực phẩm tới đây kiểm tra tình hình thực tế chống dịch tả của thôn song song tồn tại hai nghề làm bún và thịt chó này. Thôn có một bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả nhập viện từ 01/11. Huyện Hoài Đức có 5 ca bị mắc bệnh tả thì riêng xã Đức Giang đã “đóng góp” 2 ca đầu tiên, ngoài ra có 65 ca tiêu chảy khác đã nhập viện.
Đánh giá về điều kiện vệ sinh sản xuất và sinh hoạt của người dân ở đây sau đợt kiểm tra, bà Nguyễn Thị Khánh Trâm – Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) – nhấn mạnh: “Môi trường ứ đọng quá nhiều chất thải rắn sinh hoạt, bán hàng rong nhiều, chưa có thói quen sử dụng găng tay khi bán thực phẩm, ít tuân thủ quy định sản xuất thực phẩm an toàn”.
Dường như ấn tượng về thanh – kiểm tra còn đậm nên một số hộ làm bún ở đầu làng rất cảnh giác trước sự xuất hiện của những người lạ. “Ôi dào, lo gì, nhà chị mấy đời làm bún, nhập đầy cho Hà Nội. Có mua thì chị mang bún ra đây cho dùng thử luôn, vào tận nhà làm gì cho mất công!”. Trong vai một người đi đặt mối hàng, phải đi tới cơ sở sản xuất thứ bảy mới lọt qua được cửa lò làm bún, mục sở thị quy trình sản xuất và cung cấp bún chủ lực cho cả Hà Tây và Hà Nội.
Bà Khai (xóm 3) – một chủ hộ làm bún lớn – tiếp thị: “Bình thường mỗi ngày tôi bán gọn 3 – 4 tạ, dịch dã thì ế ẩm, nhiều chỉ được 1 tạ. Trên Hà Nội toàn xuống đây lấy hàng chứ đâu”. Bà Khai “bật mí”, sở dĩ bún nhà bà bán được nhiều hơn hàng xóm, vì đã có “thương hiệu” lâu năm với sợi bún dẻo, thơm và trắng.
Chứng kiến tận mắt xưởng bún của bà Khai, mới thấy hàng chục thùng đựng bột gạo đang được ngâm nằm chất đống trong một khoảng sân ẩm mốc, đầy rác rưởi và ruồi nhặng. Các thùng nhựa cáu bẩn, bốc mùi chua loét. Nước ngâm gạo lấy trực tiếp từ giếng đục ngầu.
Ngay sát sân là nhà cầu hôi hám, cửa mở toang, mặc sức “toả” mùi xú uế ra xung quanh. Sát nhà cầu chềnh ềnh chậu bột ngâm đã lên mùi và đang chờ làm mẻ bún buổi chiều. Máy làm bún xem chừng đã được khai thác triệt để, đã đến thời kỳ hoen gỉ, váng từ chân đến miệng.
Gần nhà bà Khai, xưởng bún của chị Thọ ở xóm 4 cũng không kém hơn về mức độ mất vệ sinh. Nhà chị Thọ vừa được xây, trần và cột đều ốp gỗ sang trọng, chị để lại một góc sân để làm xưởng sản xuất. Vẫn là những thùng bột cáu bẩn, rêu mốc. Đối diện sân là chuồng lợn, bên trong đàn lợn con nằm lăn lóc cạnh những bãi phân chưa được quét dọn! Nước ngâm bột lấy từ giếng lên bể nhỏ xây ngay cạnh chuồng lợn, chẳng hề có nắp che đậy ruồi muỗi. Lúc muốn đi vệ sinh thì cứ ngồi tạm vào khoảng trống giữa các thùng bột đó là được!
Kênh mương – “bãi rác tập thể” thôn Cao Hạ. |
Ngoài ngõ là rác đầy cống
Cách trung tâm Hà Nội 15km, thôn Cao Hạ được biết đến như một nguồn cung cấp bún “chủ lực” cho không chỉ Hà Tây, mà còn cho nội thành Hà Nội. Toàn thôn có hơn 50 hộ kinh doanh thì đã có đến 25 hộ làm bún. Trung bình mỗi hộ cung cấp cho Hà Nội hơn một tạ bún mỗi ngày. Ngoài làm bún, ở thôn còn có khoảng gần 15 hộ làm nghề giết mổ chó. Những ngày này, thịt chó lui về “chiếu dưới”, song bún thì vẫn khá “chạy”.
Từ đầu tháng 11, khi các đoàn kiểm tra thay phiên nhau đến, người dân trong thôn Cao Hạ được huy động nạo vét, khơi thông các đường cống đang bị tắc cùng với việc phun thuốc, rải vôi bột của cán bộ y tế. Nhưng có lẽ chỉ là biện pháp đối phó nhất thời nên rác khơi lên từ cống chẳng biết dồn đi đâu. Khắp các ngả đường vào thôn, chất đầy các đống đất đen quạch, nồng nặc mùi thối.
Bà Thơm – một chủ quán nước đầu thôn – cho biết: “Đấy là đất vừa thông cống, đường cống rãnh của thôn bị tắc nên cả thôn đang “hò” nhau ra nạo cống, mấy đám đất ấy chưa kịp đổ đi!”. Dọn nửa vời như vậy, chẳng biết bao giờ và ai sẽ đến làm nốt phần việc còn lại, đống đất ấy cứ chềnh ềnh và “chia hương” cho khắp thôn xóm và bất cứ vị khách nào đi qua.
Cuối thôn, có một con mương làm nhiệm vụ tưới tiêu cho đất nông nghiệp của cả ba xã Đức Thượng, Đức Giang và Kim Chung. Đang mùa gặt nên nước đầu nguồn không đổ về, nên cũng không giải phóng được mọi thứ rác thải trong thôn. Dòng nước đen ngòm, đặc quánh và bốc mùi nồng nặc. So với con mương này, có lẽ nước sông Tô Lịch còn sạch hơn. Dưới lòng mương, hai bên bờ chất kín rác, lông chó, gà, vịt… Bãi rác này chỉ ngăn cách với nhà các hộ dân cư đúng bằng con đường rộng chưa đầy 3m.
Y sĩ Lê Văn Hải – Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Giang – cũng than thở: “Bình thường, cầu mương này đã trở thành nỗi bức xúc của cả xã. Vào mùa dịch bệnh thì càng nguy hại hơn. Bà con sống ngay đấy và đều dùng nước giếng khơi. Nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước giếng do nhiễm bẩn từ mạch nước ngầm phía dưới là rất cao”.
Hiện nay, chính quyền xã và người dân trong thôn đã khắc phục tạm thời bằng cách lập một đội vệ sinh môi trường gồm 3 người hàng ngày chuyên khơi thông cống rãnh, gom rác khắp thôn, vớt rác dưới lòng kênh và phơi khô rác, đến chiều thì đem đốt tập trung. Song với lượng rác “khổng lồ” này thì 3 người dọn dẹp xem ra không ăn thua gì.
Y sĩ Hải cho biết thêm: “Đội VSMT phối hợp với trạm y tế đi dọn vệ sinh hàng ngày. Nhưng buổi sáng dọn rồi, đến chiều đâu lại vào đấy. Bà con họp chợ xong, bao nhiêu rác lại tập kết hết về bãi rác ở mương. Đấy là chưa kể các hộ làm bún, các nhà giết mổ chó đều đổ hết rác thải ra mương, dọn bao nhiêu cũng không xuể”.