Trồng rừng luôn là một hướng thoát nghèo và từng bước làm giàu của nông dân Văn Yên ở Yên Bái. Qua nhiều lần thử nghiệm để tìm cây trồng phù hợp đất đai, khí hậu, đều bị thất bại. Trụ lại vẫn là những cây trồng truyền thống, nhưng cách thức đầu tư, chăm sóc phải theo quy trình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, khi có chủ trương trồng rừng, nông dân xã An Bình hưởng ứng rất mạnh. Cả xã có 3.619 ha đất tự nhiên, Lâm trường Văn Yên quản lý 1.007 ha, rừng tự nhiên phòng hộ 706 ha. Huyện giao cho xã trồng 170 ha rừng, đến tháng 06/2007 đã trồng được 140 ha, phổ biến là luồng, bồ đề, tre bát độ, keo.
Phó Chủ tịch UBND xã Lê Cao Tấn cho biết: Ðến nay, nhân dân trong xã đã trồng được 100 ha luồng, 65 ha quế, 200 ha bồ đề, 200 ha xoan mỡ, trẩu, 459 ha keo. Cây keo cho giá trị kinh tế khá cao, 900 nghìn đến một triệu đồng/m3 loại 50 đến 70 “vanh”. Từ năm 2005, xã có chủ trương trồng xen keo trên đỉnh đồi sắn. Khoảng 7-8 năm là khai thác theo lô, đúng quy định của UBND xã, Kiểm lâm và trồng ngay cây mới. Một số hộ gia đình trồng keo trước đã khai thác khoảng 60-70 ha.
Tuy vậy, qua tìm hiểu, được biết sắn và ngô vẫn là cây xóa đói, giảm nghèo của nông dân An Bình, vì thời gian thu hoạch ngắn. Toàn xã có 460 ha, trong đó 400 ha sắn cao sản giống KM 94 cung cấp cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên.
Theo cách tính của cán bộ và nông dân thì một ha cũng đạt 25-30 tấn, bán với giá 500 đồng/kg, trừ chi phí rồi mỗi ha cũng cho thu 7 triệu đồng/năm. Hộ nào ít cũng có 0,5 ha, hộ nhiều thì 5-10 ha. Cây ngô có 150 ha năng suất 3,5 tấn/ha, cho lãi khoảng 4 triệu đồng/ha.
Ông Tấn cho biết sẽ mở tổ hợp, xưởng xẻ tiêu thụ gỗ cho dân, giá sẽ cao hơn và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chế biến sắn khô làm thức ăn chăn nuôi và xuất sang Trung Quốc. Nơi nào đất dốc xã chỉ đạo trồng keo, đất thấp thì trồng màu, sắn. Kết hợp mô hình trồng sắn, ngô xen keo, rừng nhằm giữ nước, tăng độ phì nhiêu cho đất. Ðặc biệt, không cho khai thác đồng loạt mà khai thác theo lô, tránh tình trạng sạt lở đất, giá bán thấp.
Ðồng chí cũng bày tỏ băn khoăn: người dân vay vốn chưa được nhiều, theo chương trình dự án 120, mỗi hộ được vay tối đa 20 triệu đồng là thấp so với chi phí trồng rừng. Nhận thức của nhân dân chưa đồng đều, một số hộ chưa hào hứng trồng rừng. Giống ngô đã được Nhà nước trợ giá nhưng giá phân bón còn ở mức cao.
Vào xã Ðại Sơn, thấy những rừng quế nhiều thế hệ. Nào là “quế ông, bà”, “quế bố, mẹ”, “quế con” như cách gọi của người dân nơi đây ứng với tuổi của từng cây quế. Bác Hoàng Văn An, dân tộc Tày ở thôn 1 Khe Giang kể lại: “Mọi đồ đạc và ngôi nhà của mình có được đều nhờ cây quế. Trước đây, cây quế chỉ được trồng trong khe. Năm 1970, sau khi đi tham quan ở Quảng Ninh về, gia đình tôi và bà con trong thôn bắt đầu trồng quế theo phương pháp mới. Hiện nay, nhà tôi có 30 ha, chia cho mỗi con một ít, còn để lại 3-4 ha. Khi thu hoạch, cây quế chẳng phải bỏ đi cái gì, từ lá, cây, gốc đều bán được giá. Tôi vừa bán hai cây được gần mười triệu đồng”.
Quế là cây lâu năm, chu kỳ khoảng 40 năm/cây, đến năm thứ 25 đến 30 là phải bóc vỏ, khai thác cả cây. Sau khi khai thác quế thì trồng sắn, sau đó làm cỏ và trồng xen quế mới. Chăm sóc cây quế không khó, chỉ việc làm cỏ trong khoảng năm năm đầu. So với trồng xen lúa nương và sắn thì lợi hơn nhiều. Từ khi có chủ trương giao đất, giao rừng, nhân dân trồng nhiều hơn lúc còn tham gia trồng tập thể. Về đầu ra của sản phẩm quế không đáng lo, nhưng giá trị kinh tế chưa cao, chủ yếu là sơ chế.
Hộ kinh doanh Hoàng Bảy ở thôn Cổng Chào, xã An Thịnh chuyên thu mua quế của nhân dân trong vùng. Ở đây thường xuyên có 40-50 lao động làm việc lúc thời vụ, với thu nhập bình quân 900 nghìn đồng/tháng. Sản phẩm từ quế khá đa dạng: quế ống, quế cắt cành, quế lá thuốc… Trong đó, quế kẹp hình số 3 là giá trị hơn cả, từ 100 đến 300 nghìn đồng/kg loại khô. Vì được bóc từ cây quế từ 15 năm trở lên, có vỏ dày, nhiều tinh dầu, chất lượng tốt. Sau khi sơ chế được bán cho doanh nghiệp và tư thương làm dược liệu, hương, lót quế, thuộc da và đồ ăn cho nhân dân vùng xứ lạnh.
Khi được hỏi về tính “bền vững” của cây quế, ông Lý Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Ðại Sơn cho biết: Xã có 550 hộ, trong đó 40% số hộ có năm ha trở lên, bình quân 2-3 ha quế. Ðây là cây bản địa từ hàng trăm năm nay. Giờ trồng theo phương pháp mới (ươm bầu) tốn nhiều công hơn nhưng cây lên nhanh, tỷ lệ sống đạt 98%. Khi thu hoạch không sợ ế, nhưng tư thương mua giá bấp bênh, biến động từng ngày, thiệt cho người trồng quế, nhưng lực bất tòng tâm.
Những khó khăn của người dân, lãnh đạo huyện Văn Yên đều thấu. Nhưng giải pháp cần sự đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, thể hiện rõ trong Nghị quyết của Ðảng bộ huyện. Chủ tịch UBND huyện Trần Thế Hùng cho biết: Văn Yên nắm bắt thời cơ từ vị trí địa lý khá thuận lợi để phát triển. Ðường sắt chạy qua địa bàn huyện với sáu ga tàu, có tuyến đường bộ Yên Bái – Khe Sang, Quy Mông – Ðông An, quốc lộ 70, tuyến Côn Minh – Cái Lân có nút đảo ở xã An Thịnh, Ðông An.
Huyện quy hoạch các vùng phát triển: cây chè, lúa và các cây nông nghiệp khác ở xã An Thịnh; trồng 500 ha chè giống mới, chất lượng cao ở bảy xã Yên Hợp, Xuân Ái, Hoàng Thắng, An Thịnh, Yên Hưng, Yên Thái, Mậu Ðông. Các xã An Bình, Ðông Cuông, Mậu Ðông trồng lúa, chuyên canh sắn công nghiệp và cây lâm nghiệp; trồng thử nghiệm 20 ha cao-su ở Lang Thíp. Cây truyền thống như mía, đậu tương, ngô tập trung ở Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Ðại Sơn, Nà Hẩu, Xuân Tằm. Trồng 58 nghìn ha rừng, 15 – 20 nghìn ha quế ở Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng…
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Lịch nói thêm những giải pháp: Muốn thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, chúng tôi xác định trước hết là thay đổi, nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo cấp huyện, xã và người dân. Ðặc biệt là vấn đề bố trí, sử dụng, đề bạt đúng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Huyện tổ chức các lớp hàm thụ đại học nông nghiệp cho 70 cán bộ xã; thi công chức cho cán bộ xã, những cán bộ không đạt yêu cầu sẽ giải quyết trả “một cục” theo mức một tháng lương/mỗi năm công tác, chỉ giữ lại những cán bộ chủ chốt.
Rút kinh nghiệm, huyện chủ trương không đưa loại cây mới chưa qua khảo nghiệm, chỉ sử dụng cây bản địa, giống mới, kỹ thuật canh tác mới và tạo ra những sản phẩm mới. Tập trung sản xuất theo vùng, không tập trung khu, trồng xen kẽ, không khai thác đồng loạt. Gắn sản xuất sắn, quế, gỗ hàng hóa với chế biến sản phẩm phục vụ nhu cầu tại địa phương, tạo thêm việc làm và tận thu cho nông dân. Hiện nay, trình độ canh tác và vốn liếng của dân còn thấp thì cho trồng khoai lang, ngô, bí xanh, khi có điều kiện thì trồng khoai tây, hoa…
Huyện Văn Yên đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào khai thác tiềm năng khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu; du lịch làng quê vùng trồng quế; thăm, nghỉ dưỡng, tìm hiểu phong tục tập quán sinh hoạt của người Dao và các dân tộc thiểu số. Con đường thoát nghèo và hướng vươn lên khá, giàu đã hiện rõ, rất cần sự đồng tâm nhất trí và nỗ lực của mỗi cán bộ và nhân dân Văn Yên.